1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Năng lực tên lửa của Triều Tiên đang bị đánh giá thấp?

(Dân trí) - Chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên đã có những bước tiến đáng kể trong những năm qua. Chừng nào giới chức Triều Tiên còn hứng thú, Bình Nhưỡng vẫn có thể cải tiến tên lửa phiên bản sau vượt trội so với phiên bản trước.

(Ảnh minh họa: Telegraph)
(Ảnh minh họa: Telegraph)

Hồi tháng 5, Triều Tiên đã thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) đầu tiên đánh dấu bước đột phá trong năng lực quốc phòng của Bình Nhưỡng. Tiếp đó đến cuối tháng 11, Triều Tiên đã tiến hành thử một tên lửa khác thậm chí còn tham vọng hơn.

Mặc dù Triều Tiên mới chỉ tiến hành trên một xà lan - cho thấy Bình Nhưỡng chưa tự tin với thử nghiệm từ dưới nước, nhưng tên lửa Bukkeukseong-1 hay còn gọi là “Polaris-1” đã thất bại ngay khi rời bệ phóng. Những mảnh vỡ của Bukkeukseong-1 sau này được tìm thấy trôi dạt ở tận biển Nhật Bản.

Không ngừng nâng cấp chương trình tên lửa

Theo những thông tin được công khai, Bukkeukseong-1 dường như là bản sao của loại tên lửa già nua SS-N-5 “Sark” SLBM của Liên Xô trước đây. Liên Xô mất chỉ 4 năm  từ 1958 -1962 để thiết kế và thử nghiệm nó, nhưng thành tựu đó đạt được nhờ có trình độ khoa học tối tân cộng với nền công nghiệp hùng mạnh. Trong khi đó, Bình Nhưỡng phải bắt đầu với một nền công nghiệp quốc phòng lạc hậu. Trong hoàn cảnh như vậy, họ đương nhiên sẽ phải mất nhiều thời gian mò mẫm với nhiều lần thất bại trước khi có thể đạt được thành công. Điều đó không phải là tín hiệu tốt cho Washington, Seoul hay Tokyo dù Hải quân Triều Tiên phải mất ít nhất đến năm 2019 mới có thể bắt đầu phát triển SLBM hay nói cách khác cần gấp đôi thời gian so với Liên Xô cũ và chỉ có thể tiến ra biển vào năm 2023.

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về đợt phóng tên lửa hồi tháng 5/2015 của Triều Tiên. (Ảnh: AP)
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về đợt phóng tên lửa hồi tháng 5/2015 của Triều Tiên. (Ảnh: AP)

Những người chê bai thì chỉ ra “Polaris-1” của Triều Tiên chỉ có tầm bắn 890 hải lý, tức là không thể vươn tới đảo Guam, đồng thời độ chính xác kém (chỉ khoảng 50% số tên lửa có thể tấn công với độ chính xác trong bán kính 2,8 km tính từ mục tiêu. Tuy nhiên, họ nên lưu ý rằng đây mới chỉ là bản mẫu đầu tiên. Miễn là ông Kim Jong-un còn hứng thú, Triều Tiên vẫn có thể thay đổi và cải tiến loại tên lửa này. Và biết đâu Triều Tiên cuối cùng có thể tạo ra một loại tên lửa vượt trội so với phiên bản đầu.

Giả thiết trên không phải là không có cơ sở nếu nhìn vào chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên, vốn đã có những bước tiến đáng kể trong những năm qua. Triều Tiên đã cho ra mắt các tên lửa từ loại Hwasong-5 vào năm 1985 với tầm bắn 320 km và đầu đạn trọng lượng 1.000 kg cho tới Rodong-1 vào năm 1990 với tầm bắn 900 km, và gần đây nhất là Taepodong-2 - nền tảng kỹ thuật cho tên lửa Unha vốn đưa thành công vệ tinh lên quỹ đạo vào ngày 12/12/2012. Đây là những bằng chứng cho thấy giới khoa học Triều Tiên vẫn đang không ngừng nâng cấp và cải tiến cho chương trình tên lửa quốc gia. Không quá để nói rằng họ đủ khả năng thành công với dự án này.

Quyết tâm chính trị

Như đã phân tích ở trên, Bình Nhưỡng vẫn sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển chương trình tên lửa đạn đạo một khi ông Kim Jong-un còn tại vị. Dựa vào chính sách Shogun (tiên quân) mà Triều Tiên đã và đang duy trì, trong đó đề cao vai trò của quân đội như là lực lượng nòng cốt để đảm bảo quyền lực của chính quyền, sự phát triển của các chương trình tên lửa trên bộ và giờ đây là trên tàu ngầm sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi tất cả tinh hoa và nguồn lực có thể của Triều Tiên.

Hãng thông tấn KCNA đăng ảnh Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho là trực tiếp quan sát vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm hồi tháng 5 của nước này. (Ảnh: Telegraph)
Hãng thông tấn KCNA đăng ảnh Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho là trực tiếp quan sát vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm hồi tháng 5 của nước này. (Ảnh: Telegraph)

Với lãnh đạo Triều Tiên, tên lửa và vũ khí hạt nhân chính là hai gọng kìm chiến lược nhằm ngăn chặn bất cứ kế hoạch nào của Mỹ nhằm lật đổ chính quyền của họ thông qua can thiệp quân sự. Do đó chương trình này sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên được cho là đang vận hành một nền kinh tế thời chiến giống nước Đức trong Thế chiến 2. Khi đó, Berlin tập trung phát triển Wunderwaffe hay các loại vũ khí siêu hạng như bom V-1 (tên lửa hành trình tác chiến đầu tiên) và rocket V-2 (tên lửa đạn đạo tác chiến đầu tiên). Bình Nhưỡng đang đi theo đúng con đường này khi họ dốc sức xây dựng đồng thời cả hệ thống tên lửa vận hành trên bộ và trên biển.

Giải pháp tốt nhất cho Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc

Nhà phân tích Tuang cho rằng, Washington, Soeul và Tokyo nên áp dụng chiến lược hai mũi nhọn. Đầu tiên, vận dụng ảnh hưởng quốc tế để đảm bảo thực thi nghị quyết của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc trong việc chặn tất cả các chuyển giao công nghệ hay vũ khí cho Triều Tiên.

Khi Bình Nhưỡng còn kiên định với mục tiêu sở hữu “bộ ba” hệ thống khí tài (tên lửa trên bộ, trên không và trên biển) với khả năng mang theo cả đầu đạn thông thường và WMD (đầu đạn hạt nhân hoặc hoá học) để duy trì sức mạnh răn đe thì Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nên tôn trọng những nỗ lực của Triều Tiên trong việc phát triển tên lửa, trong đó Bukkeukseong-1 là một ví dụ.

Lý tưởng nhất là Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản nên áp dụng chiến lược hai gọng kềm toả. Một mặt họ cùng sử dụng tầm ảnh hưởng quốc tế để đảm bảo chắc chắn các lực lượng của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc tích cực kiểm soát và ngăn chặn việc chuyển giao tên lửa hay công nghệ sản xuất vũ khí hạng nặng cho Triều Tiên. Mặt khác, họ phải tăng cường công tác phòng thủ trước bất cứ nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ đối thủ.

Để chuẩn bị cho việc này, Washington, Seoul và Tokyo nên duy trì lực lượng tàu ngầm và tàu phụ trợ hùng hậu trong vùng, đồng thời ưu tiên phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa ở những khu vực nhạy cảm.

Khánh Trần

Theo The Diplomat