"Nạn nhân sống sót trên máy bay Yemen 14 tuổi, sống ở Pháp"
(Dân trí) - Bộ trưởng Giao thông Pháp cho biết chiếc máy bay Yemen đâm xuống Ấn Độ Dương đã bị cấm vào Pháp từ vài năm trước, do không đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn. Trong khi đó nạn nhân duy nhất tìm thấy được biết là một bé gái 14 tuối sống ở Marseille, Pháp.
Chiếc máy bay gặp nạn đang đi từ Yemen tới quần đảo Comoros nhưng nhiều người trên máy bay bắt đầu hành trình của họ ở Pháp. Được biết trên chiếc máy bay gặp nạn có tới 66 người quốc tịch Pháp.
Các nhân viên cứu hộ đã vớt được một em nhỏ trên Đại Tây Dương, được cho là người duy nhất sống sót trong tổng số 153 hành khách trên chuyến bay. Một nhân viên cứu hộ cho biết trên đài phát thanh Pháp rằng người được cứu là một bé gái 14 tuổi. Họ đã trông thấy em bơi giữa những xác chết và các mảnh vỡ giữa biển, hơn hai giờ sau khi chiếc máy bay biến mất khỏi màn hình radar.
Khi được cứu, cô bé bị kiệt sức và lạnh cóng. Hiện cô bé đang được điều trị ở một bệnh viện tại thủ đô của Comoros, Moroni.
Bác sỹ Ada Mansour, người đã điều trị cho cô bé tại bệnh viện, cho biết trên hãng thông tấn AFP rằng cô bé tỉnh táo và nói chuyện được. “Nhưng chúng tôi đang cố gắng làm cho cô bé ấm lên”.
Người ta cho rằng cô bé sống sót này sống ở Marseille, Pháp, và đang đi cùng mẹ tới Comoros.
Pháp đã cấm máy bay gặp nạn Yemen từ vài năm trước
Hầu hết các hành khách trên chiếc máy bay gặp nạn đã bay trên một chiếc máy bay khác của hãng hàng không Yemenia từ Paris hoặc từ Marseille trước khi lên chuyến bay mang số hiệu IY626 ở Sanaa, thủ đô của Yemen.
Đây là vụ tai nạn thứ hai liên quan đến một chiếc máy bay của Airbus trong vài tuần trở lại đây. Ngày 1/6, một chiếc máy bay Airbus 330 của hãng hàng không Pháp Air France đi từ Rio de Janeiro tới Paris đã đâm xuống Đại Tây Dương, khiến toàn bộ 228 hành khách thiệt mạng. Rất nhiều nạn nhân trong thảm họa này là người Pháp.
Các thông số, lịch trình về chiếc máy bay gặp nạn Airbus A310-300, sản xuất năm 1990 153 hành khách trên máy bay, trong đó có 66 người Pháp Hành trình khởi đầu từ Paris, dùng một chiếc Airbus A330-200 hiện đại Dừng ở Marseille trước khi bay tới Sanaa Hành khách chuyển sang chiếc A310-300 Quá cảnh ở Djibouti |
“Một vài năm trước, chúng ta đã cấm chiếc máy bay này vào lãnh thổ của chúng ta, bởi chúng tôi tin rằng thiết bị kỹ thuật của máy bay không đạt tiêu chuẩn”, ông Bussereau nói.
“Vấn đề mà chúng ta đang đặt ra là liệu bạn có thể đón người theo cách bình thường trên lãnh thổ Pháp rồi sau đó để họ lên một chiếc máy bay không đảm bảo an toàn được cho họ hay không. Chúng tôi không muốn điều này xảy ra một lần nữa”, ông nói.
Tuy nhiên, người phát ngôn của hãng hàng không tại Yemen cho hay thời tiết xấu là khả năng lớn nhất dẫn đến vụ tai nạn. Bộ trưởng Giao thông Yemen Khaled Ibrahim al-Wazeer khẳng định trên hãng thông tấn Reuters rằng chiếc máy bay gần đây đã được Airbus kiểm tra kỹ lưỡng và đáp ứng đủ tiêu chuẩn quốc tế.
Sơ đồ hành trình của chiếc máy bay gặp nạn.
Phan Anh
Theo BBC