1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Năm nay năm Mèo hay năm Thỏ?

(Dân trí) - Cả châu Á và cộng đồng người châu Á trên toàn thế giới đang bước vào năm mới với nhiều ước vọng tốt đẹp đang mở ra. Nhưng trong khi cộng đồng theo phong tục Trung Hoa đón chào năm con Thỏ, thì người Việt khắp nơi lại chào mừng năm con Mèo.

 
Năm nay năm Mèo hay năm Thỏ? - 1
Cộng đồng theo phong tục Trung Hoa năm nay đón chào năm con Thỏ. Tại sao lại có sự khác biệt như vậy?

Tại Việt Nam, như thông lệ, từ Nam chí Bắc, từ đồng bằng đến vùng cao nguyên, tất cả các thành phố, thị xã đều chăng đèn, kết hoa và tất cả đều là hình con Mèo áp đảo. Tại Trung Quốc, năm con Thỏ cũng được chào đón một cách rất hoành tráng, đúng với vị thế một cường quốc kinh tế đang lên. Còn tại Singapore, có lẽ vì loài Thỏ nổi tiếng là mắn đẻ, nên Thủ tướng Singapore trong thông điệp đầu năm đọc nhân năm mới đã kêu gọi dân chúng của mình tranh thủ năm này để sinh con. Singapore là quốc gia mà đa số dân chúng là người gốc Hoa, do đó họ xem năm nay là năm con Thỏ.

Đã có nhiều cách lý giải tại sao và bắt đầu từ khi nào người Việt Nam đưa con Mèo vào thay thế con Thỏ trong danh sách 12 con giáp vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Một trong những lý giải đó là có thể là bắt nguồn từ lỗi dịch thuật phức tạp từ cách tính “12 con giáp”.

Trung Quốc và Việt Nam đều có cách tính “12 con giáp”, trong đó có 11 loài vật tượng trưng mỗi năm của hai nước đều giống nhau gồm: Tý (chuột), Sửu (trâu), Dần (hổ), Thìn (rồng), Tỵ (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó) và Hợi (heo).

Trong tiếng Hoa, phát âm tên con mèo là “mao”, rõ là khá giống người Việt phát âm “mèo”. Cả hai cách phát âm bắt nguồn từ âm tiếng Hán thời xưa “mão”. Ở Trung Quốc ngày xưa thường bị lẫn lộn giữa mèo và thỏ trong cách viết và phát âm. Vì thỏ là loài vật có nhiều ý nghĩa hơn mèo trong văn hóa truyền thống Trung Hoa nên người Trung Quốc về sau này đã quyết định chọn con Thỏ để đưa vào 12 con giáp.

Trái lại ở Việt Nam, dường như loài thỏ không có đặc điểm gì nổi bật, ngoài việc được đánh giá là một loài vật hiền lành. Trong khi đó, từ xưa đến nay loài mèo ở Việt Nam được xem là “hổ con” và là loài vật nuôi rất gắn bó với cuộc sống của nhiều gia đình tại Việt Nam, xuất hiện trong các câu chuyện, tranh vẽ và nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao... Không những thế, mèo còn được biết đến với khả năng bắt chuột hữu hiệu. Có lẽ vì vậy mà người Việt vẫn giữ nguyên âm gốc “Mão” để đặt năm con giáp là Mèo.

Hãng tin Reuters lại dẫn lời một người nổi tiếng đam mê các loài vật nuôi ở Hà Nội, ông Nguyễn Bảo Sinh, nói rằng: “Người Việt đã thay đổi biểu tượng con Mèo thay cho Thỏ bởi Thỏ là loài động vật thuộc bộ gặm nhấm. Trong khi đó thì 12 con giáp đã có một con cũng thuộc loài gặm nhấm là chuột rồi. Các loài vật trong 12 con giáp nên khác nhau”.

“Dân gian Việt Nam có câu “ghét nhau như chó với mèo”. Sự khác biệt hay thậm chí đối đầu nhau giữa một số con vật biểu trưng trong 12 con giáp đã thể hiện sự cân bằng âm dương trong vòng xoay vũ trụ, thể hiện sự dung hòa của các mặt đối lập và do đó, việc con mèo nằm trong 12 con giáp là điều tốt và góp phần khiến cho các cung hoàng đạo trở nên phong phú hơn”, ông Nguyễn Bảo Sinh đánh giá.

Tại Trung Quốc, năm Thỏ được xem là một năm tốt lành, năm của tình bạn. Những người sinh vào năm Thỏ thường được đánh giá là đáng tin cậy, có lòng tốt và trung thành. Trong khi đó, ở Việt Nam với năm Tân Mão đến, có vẻ như việc nuôi dưỡng thú cưng như Mèo lại càng được chú ý hơn trong đời sống của người dân. Điều này sẽ giúp cho tình cảm giữa người và loài vật thêm gắn bó.

Việt Hà
Tổng hợp
Dòng sự kiện: Tết Việt nơi xa xứ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm