Năm Canh Tý, tìm hiểu về những nhân vật nổi tiếng cầm tinh con chuột
Những người sinh năm Tý thường thông minh, lanh lợi, lạc quan, có trực giác tốt, nhưng lại không giỏi trong việc đưa ra quyết định một cách logic.
Theo quan niệm của Phương Đông, chuột là một trong những con vật xuất hiện khắp mọi nơi trên thế giới. Loài chuột thông minh, lanh lợi, gan dạ và có sức sống bền bỉ. Những người sinh năm Tý cũng có chung đặc điểm như vậy.
Họ lạc quan, vui vẻ, không bị suy sụp cho dù gặp hoàn cảnh khó khăn nào và luôn đấu tranh cho cuộc sống của mình. Họ cũng rất nhạy cảm, có trực giác tốt và có trí tưởng tượng phong phú, nhưng họ không giỏi trong việc đưa ra quyết định một cách logic.
Nhìn bên ngoài, người tuổi Chuột trông có vẻ dè dặt, kín đáo, nhưng thực tế thì không phải vậy. Họ dễ dàng bị chọc tức nhưng vẫn có thể kiểm soát tinh thần của mình.
Người tuổi Chuột cũng thường dễ gần. Đôi khi bạn thấy họ hơi khó tính, hay phàn nàn và soi mói. Nhưng nhìn chung, họ là những người dễ kết bạn.
Tính cách người tuổi Chuột cũng có mặt tốt và mặt xấu. Họ quá quan tâm đến những tiểu tiết, hay phán xét người khác. Họ thường mua những thứ không thực sự cần thiết và cũng dễ bị người khác lừa phỉnh.
Dưới đây là những nhân vật nổi tiếng trên thế giới sinh năm Tý:
Jimmy Carter (1924 – Giáp Tý)
Ông là Tổng thống thứ 39 của Mỹ (1977-1981). Nhiệm kỳ Tổng thống của Carter đánh dấu bằng sự suy thoái sau khi nước Mỹ gánh chịu những vết thương nhức nhối như Chiến tranh Việt Nam, cùng với sự trì trệ kinh tế trong nước. Với vụ khủng hoảng con tin tại Iran, và việc Liên Xô đưa lực lượng tới Afghanistan năm 1979, ảnh hưởng của Mỹ suy giảm trên trường quốc tế.
Carter tích cực tranh đấu cho nhân quyền trên quy mô toàn cầu và xem nhân quyền là tâm điểm cho chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, Tổng thống Carter lại thất bại trong nỗ lực cải cách thuế và thu hẹp bộ máy hành chính của chính quyền, như ông đã hứa khi ra tranh cử năm 1976.
Dù vậy, sau khi rời Nhà Trắng, Jimmy Carter nhận được nhiều sự kính trọng trong vai trò trung gian hòa giải và kiến tạo hòa bình trên chính trường quốc tế. Ông cũng hành động tích cực với cương vị một cựu Tổng thống Mỹ trong nỗ lực phát triển các hoạt động từ thiện.
Năm 2002, Jimmy Carter được trao tặng Giải Nobel Hòa bình cho những nỗ lực của ông nhằm tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột quốc tế, nhằm cải thiện dân chủ, nhân quyền, và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.
Giáo hoàng Francis (1936 – Bính Tý)
Giáo hoàng Francis tên thật là Jorge Mario Bergoglio, sinh ra ở Buenos Aires, Argentina trong một gia đình di cư gốc Italy có 5 anh em. Từ nhỏ, Bergoglio đã biết 2 thứ tiếng: Tây Ban Nha và Italy. Bergoglio bắt đầu học Thần học sau khi có bằng Thạc sĩ Hóa học của Đại học Buenos Aires.
Ngày 13/3/2013, ông được bầu làm Giáo hoàng trong cuộc Mật nghị Hồng y sau khi Giáo hoàng Bennedict 16 thoái vị vào ngày 28/2 cùng năm. Vì ông sinh ra tại Argentina nên ông là vị Giáo hoàng đầu tiên đến từ Châu Mỹ Latinh, đồng thời cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên không phải từ châu Âu kể từ hơn 1.200 năm qua (tính từ Giáo hoàng Gregorio 3).
Với tư cách là cá nhân hay là chức sắc tôn giáo, Giáo hoàng Frrancisco được đánh giá là người khiêm nhường, quan tâm đến người nghèo, và sẵn sàng đối thoại với các nhóm cộng đồng có tư tưởng, xuất thân và niềm tin khác nhau.
Hassan Rouhani (1948 – Mậu Tý)
Hassan Rouhani là một luật sư, chính trị gia và một nhà ngoại giao Iran trước khi trở thành Tổng thống Iran hiện nay. Ông là một thành viên của hội đồng chuyên gia từ năm 1999, thành viên của Hội đồng phương tiện từ năm 1991, thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia tối cao từ năm 1989 và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược từ năm 1992.
Hassan Rouhani là một giáo sĩ và nhà chính trị Iran, từng là nhà đàm phán hạt nhân từ năm 2003-2005 dưới thời Tổng thống Mohammad Khatami.
Trong cuộc bầu cử tháng 6/2013, ông đã giành chiến thắng với tỷ lệ ủng hộ hơn 50% nên không cần phải tổ chức bỏ phiếu vòng 2. Ông Rouhani cam kết sẽ đàm phán để thuyết phục phương Tây dỡ bỏ các biện pháp cấm vận đang phá hủy nền kinh tế Iran. Ngoài ra, Tổng thống Rouhani cũng và đã cải thiện quyền của phụ nữ khi bổ nhiệm nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran.
Nhật Hoàng Naruhito (1960 – Canh Tý)
Naruhito là đương kim Nhật Hoàng, bắt đầu từ khi kế vị ngày 1/5/2019, đặt niên hiệu là Lệnh Hòa. Ông kế vị cha mình là Nhật hoàng Akihito, người tuyên bố thoái vị ngày 30/4/2019, và cũng là Nhật Hoàng đầu tiên thoái vị kể từ năm 1817.
Ông là hoàng đế thứ 126 của hoàng triều lâu đời nhất lịch sử nhân loại. Ông cũng là Thiên hoàng đầu tiên sinh ra sau Thế chiến 2.
Nhật Hoàng Naruhito tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ lịch sử ở Đại học Gakushuin lần lượt vào các năm 1982 và 1988. Giai đoạn 1983 - 1985, ông theo học ở Merton College, Oxford, Vương quốc Anh. Ông cũng là Nhật Hoàng đầu tiên từng du học bên ngoài Nhật Bản
Ông chơi viola và hay đi bộ, leo núi trong thời gian rảnh. Ông đã viết nhiều bài báo và một hồi ký trong thời gian ở Oxford.
Nhật Hoàng Naruhito chính thức đăng quang ngày 22/10/2019.
George Herbert Walker Bush (1924 – Bính Tý)
Ông là Tổng thống thứ 41 của Mỹ (từ 1989-1993). Trước khi trở thành Tổng thống, George H. W. Bush là Phó Tổng thống dưới thời Ronald Reagan và Giám đốc CIA.
Nhiệm kỳ của Tổng thống George W. H. Bush (Bush cha) nổi bật với các vấn đề quốc tế. Ngay sau khi bước vào Nhà Trắng, Chiến tranh Lạnh kết thúc, một làn sóng cách mạng nổ ra khắp châu Âu và Liên Xô sụp đổ năm 1991. Trong năm đầu tiên, ông ra lệnh đưa lực lượng tới Panama và năm 1990 là Iraq.
Về vấn đề nội địa, Bush cha nổi tiếng với cam kết “không thuế mới”. Tuy nhiên, ông thất hứa và vấp phải sự phản đối từ Quốc hội. Sự suy thoái giai đoạn đầu những năm 1990 và thâm hụt ngân sách lớn cũng góp phần khiến ông thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống 1992 trước Bill Clinton.
Con trai ông, George W. Bush trở thành Tổng thống Mỹ năm 2001, cặp Tổng thống cha-con sau John Adams và John Quincy Adams.
Cựu Tổng thống George W. H. Bush qua đời ngày 30/11/2018 ở tuổi 94.
Theo Hoàng Phạm
VOV