1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Năm 2019 - Châu Âu chật vật trong các ván cờ địa chính trị

So với cách đây 5 năm, sự hài lòng của người dân châu Âu, đặc biệt tại các nước Tây Âu, giảm đi rõ rệt.

Hội đồng châu Âu về quan hệ quốc tế (ECFR), một trong những think-tank hàng đầu châu Âu có trụ sở tại Berlin (Đức), trong năm 2019 tiến hành một loạt các cuộc điều tra thăm dò dư luận tại 14 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Bảng câu hỏi bao gồm các vấn đề gai góc nhất của châu Âu hiện tại: từ mô hình phát triển kinh tế, sự khẩn cấp của vấn đề môi trường, cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc, việc can dự vào các điểm nóng ở Trung Đông, cho đến các giá trị cốt lõi của châu Âu về tự do ngôn luận hay nhà nước pháp quyền.

Năm 2019 - Châu Âu chật vật trong các ván cờ địa chính trị - 1

Trụ sở Ủy ban Châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Getty.

So với cách đây 5 năm, sự hài lòng của người dân châu Âu, đặc biệt tại các nước Tây Âu, giảm đi rõ rệt. Phần lớn nguyên nhân do khủng hoảng kinh tế, làn sóng tị nạn, Brexit và sự gia tăng của chủ nghĩa dân tuý và dân tộc cực hữu.

Nhưng nếu có một điều có thể khiến các lãnh đạo châu Âu hài lòng nhất, thì đó là việc bất chấp những khó khăn vài năm qua, trên 75% người dân châu Âu vẫn cho rằng một trong những tài sản lớn nhất của EU là việc khối này vẫn có thể hành động như một siêu cường địa chính trị trên thế giới.

Chi tiết này phản ánh điều mà giới học giả châu Âu vẫn nhận định lâu nay, đó là càng ngày người dân châu Âu càng ý thức được rằng vai trò và vị thế của châu Âu như một cực quyền lực của chính trị thế giới đang suy giảm và nếu không đoàn kết thành một khối, họ sẽ biến mất trong một trật tự thế giới mới.

2019 là năm mà nỗi lo này trở nên bức bối, bùng nổ thành những mâu thuẫn công khai vào giai đoạn cuối năm, đặc biệt sau phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng “NATO đang chết não” và nếu châu Âu không thay đổi thì sẽ bị biến thành nạn nhân trong cuộc cạnh tranh quyền lực địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.

NATO và câu chuyện của hai châu Âu

Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra nhận xét rằng “NATO chết não” cùng hàng loạt các từ ngữ nặng nề nhằm vào Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, phản ứng đầu tiên của các nước châu Âu là một sự giật mình. Ngay lập tức, Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ trích ông Macron là đã dùng những lời lẽ quá cực đoan. Nhưng rồi bà Merkel cũng đã dịu giọng ngay sau đó, rằng “kể cả khi nội bộ NATO có vấn đề đó thì nói thẳng ra như thế cũng không phải là cách tốt để giải quyết vấn đề”.

Cách các nước châu Âu phản ứng với tuyên bố của ông Macron nói lên nhiều điều. Đại đa số các nước châu Âu, đặc biệt là các nước Đông-Bắc Âu và Baltic, e ngại sự lớn mạnh trở lại của Nga nên luôn xem NATO là một sự đảm bảo tối thượng về mặt an ninh. Ưu tiên lớn nhất của các nước này là NATO giữ nguyên hiện trạng (statu-quo) như trong và sau chiến tranh Lạnh, tức là Mỹ đứng đầu gánh vác mọi việc. Vì thế, với các nước này, phát biểu của ông Macron mang đến sự hoang mang bởi nó đe doạ phá vỡ sự ổn định dù mong manh trong NATO và làm người Mỹ tức giận.

Sự đồng cảm nhỏ nhoi với Tổng thống Pháp lại đến từ người Đức, khi Ngoại trưởng Đức Heiko Maas sau đó đề xuất một cách thận trọng rằng NATO cần lập một Uỷ ban gồm các chuyên gia để bàn về tương lai thực sự của NATO. Nói cách khác, là Đức cũng cho rằng đến lúc NATO phải nhìn lại toàn thể cấu trúc quân sự-chính trị của mình và xem đâu là con đường chiến lược mà nó tiến lên. Thực tế thì người Đức đã không còn tin tuyệt đối vào NATO hay Mỹ và từ nhiều năm qua đã âm thầm cùng Pháp triển khai các dự án phát triển vũ khí tham vọng cho một châu Âu tự chủ hơn về mặt quốc phòng.

Câu chuyện NATO, thực ra là câu chuyện của hai châu Âu. Một châu Âu kẹt lại trong quá khứ, muốn duy trì NATO như một cái ô an ninh cấp cao như hơn 7 thập kỷ qua và nhắm mắt làm ngơ trước các bất cập trong nội bộ. Một châu Âu còn lại, hiện tại đã có Pháp, một phần Đức và một phần rất nhỏ Tây Ban Nha, nhìn thấy rõ rằng NATO đang có những vấn đề trầm trọng. Vấn đề đó là khi hai thành viên có quân đội lớn nhất NATO là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương hành động ở miền Bắc Syria, bỏ mặc không chỉ lợi ích mà còn cả tính mạng của các đồng minh châu Âu khác. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thực ra chỉ nói to ra điều mà rất nhiều nước châu Âu khác phải thì thầm.

Nhưng bản thân NATO cũng không phải là cốt lõi của những bất an châu Âu. NATO ra đời, tồn tại và phát triển dựa trên xương sống là chính sách an ninh của Mỹ coi châu Âu là trọng tâm để bảo vệ lợi ích của mình. Vì thế, nó suy yếu khi Mỹ không còn coi châu Âu là trọng tâm. Nước Mỹ từ thời Barack Obama đã chuyển các ưu tiên chiến lược sang phía Đông, coi không gian Ấn Độ-Thái Bình Dương là nơi có lợi ích sống còn. Đến thời Donald Trump và qua những gì đã diễn ra ở Iran, Syria hay các đe doạ về thương mại, châu Âu giờ giống như một đối tác hạng 2 với Washington hơn là một đồng minh chiến lược.

Tìm lại nước Nga?

Cốt lõi của vấn đề, đó là châu Âu đã không chỉ mất đi vai trò là sân khấu chính của nền chính trị thế giới mà còn đang mất phương hướng trong việc tìm ra một hướng đi trong một thế giới cạnh tranh địa chính trị gay gắt giữa Mỹ-Trung Quốc và Nga.

Câu hỏi đặt ra với châu Âu, là liệu nhận thức mới đó đã đủ mạnh để vượt qua các não trạng chiến tranh Lạnh hay chưa, bắt đầu bằng việc ứng xử ra sao với một nước Nga láng giềng hùng mạnh  vốn bị phương Tây gây ra không ít tổn thương trong 2 thập kỷ qua.          

Đây tiếp tục là câu hỏi chia đôi châu Âu, giữa một bên là các nước Đông Âu, Baltic ám ảnh bởi quá khứ chiến tranh Lạnh và có nhu cầu duy trì một sự thù địch nhất định với Nga để tập hợp lực lượng trong nước, với bên kia là nhiều nước Tây Âu muốn nhìn nhận lại toàn diện mối quan hệ với Nga.

Pháp, một lần nữa, lại là nước đang đi đầu để tìm kiếm các đột phá dù bị chỉ trích và hoài nghi. Gần 1 năm qua chính quyền của ông Macron đang “reset” lại mối quan hệ chiến lược với Nga. Quan điểm của Paris rất rõ ràng: cấu trúc an ninh tại châu Âu không thể thiếu sự tham gia của cường quốc quân sự hàng đầu thế giới như Nga, dù muốn hay không. Khủng hoảng Ukraine là một bài học nhãn tiền, khi sự khinh thường những lợi ích then chốt của nước Nga phải trả giá bằng một quả bom xung đột nổ chậm đặt ngay cửa ngõ châu Âu.

2019 là năm kỷ niệm 30 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ, sự kiện mang tính biểu tượng cho sự kết thúc chiến tranh Lạnh. Ba thập kỷ nhìn lại, châu Âu đã rút ra nhiều điều và một trong những điều đó là phương Tây đã “đánh mất” nước Nga. Sự ngạo nghễ trên vinh quang trong thập kỷ 90 đã khiến phương Tây phớt lờ các lợi ích cốt lõi về an ninh cũng như nhu cầu duy trì một niềm kiêu hãnh của nước Nga. Hiện tại, khi giới tinh hoa chính trị Nga đã hoàn toàn gạt bỏ các ảo tưởng về mô hình phương Tây để theo đuổi hướng đi riêng, châu Âu sẽ phải tự giải quyết những thách thức của chính mình trong bối cảnh người Mỹ đã rục rịch bỏ đi.

Cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine có một nhận định đầy lo lắng cho châu Âu, rằng với những hỗn loạn và chia rẽ như hiện nay, châu Âu đang trở thành một “động vật ăn cỏ” trong một thế giới địa chính trị toàn những “động vật ăn thịt”.

Rồi đến lúc châu Âu sẽ ăn chay.

Và cuối cùng, trở thành con mồi.

Theo Quang Dũng

VOV-Paris