1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Năm 2016 kinh tế Nga có gì thay đổi?

Đồng nội tệ của Nga đang mất giá mạnh do tác động của giá dầu giảm trong những ngày đầu năm mới 2016. Là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, điều gì chờ đợi nền kinh tế Nga trong năm 2016?

Từ trượt giá dầu mỏ đến "những đám cháy" trong hệ thống ngân hàng

Kể từ năm 2014, nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga và đồng nội tệ của nước này đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ việc giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt đối với Mátxcơva liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ucraina.

Trong những ngày gần đây, giá dầu giảm mạnh về gần mức 30USD/thùng và những quan ngại về kinh tế Trung Quốc đã liên tiếp tác động mạnh mẽ đến thị trường Nga. Thậm chí kịch bản giá dầu về ngưỡng 20-25USD/thùng đã được Morgan Stanley đưa ra.

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, với đà trượt giá của dầu mỏ, kinh tế Nga sẽ tiếp tục khó khăn. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Nga ước tính đã suy giảm 4,3% trong năm 2015 và dự báo tiếp tục rơi vào suy thoái trong năm tới.

Năm 2016 kinh tế Nga có gì thay đổi? - 1

Trạm bơm thuộc khu vực bể chứa dầu Priobskoe của Nga. (Nguồn: EFE)

Để hiểu được những quá trình đang diễn ra tại Nga và dự báo tình hình năm 2016, cần quay lại quá khứ 15 năm trước đây.

Ở thời điểm năm 2000, Nga đã hình thành mô hình kinh tế dựa vào xuất khẩu tài nguyên thô, dựa trên việc tập hợp các dòng tiền từ xuất khẩu tài nguyên nằm trong tay những nhóm người do chính quyền kiểm soát. Sau 12 năm, mô hình này đã trở nên duy nhất và thống trị.

Nga năm 2016 vẫn là nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, chỉ sau A-rập Xê-út. Tác động của giá dầu giảm đối với nền kinh tế Nga càng nghiêm trọng khi có tới 80% kim ngạch xuất khẩu, 70% GDP và 50% thu nhập tài chính của Nga lệ thuộc vào tài nguyên dầu khí.

Theo tính toán, giá dầu quốc tế giảm 1USD/thùng sẽ khiến thu nhập của Nga giảm 3 tỷ USD. Đầu năm 2014, khi trả lời Hãng truyền hình CNBC của Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Nga cho biết, vì giá dầu hạ, trong năm 2014 nước này đã tổn thất 200 tỷ USD.

Khi thiết kế ngân sách năm 2016, cơ quan chức năng Nga cũng tính tới kịch bản giá dầu giảm xuống còn 40USD/thùng, 35USD/thùng và thấp nhất là 30USD/thùng. Trong tất cả các kịch bản giá dầu dưới 50USD/thùng, theo nhà nghiên cứu Paul Roderick Gregory thuộc Viện Hoover (Mỹ), kinh tế Nga sẽ đối mặt với làn sóng suy thoái thứ hai, tình trạng cắt giảm lương, đồng rúp mất giá và lạm phát tiến gần mức hai con số.

Bản thân Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã thay đổi dự báo về kinh tế nước nhà. Trong cuộc họp báo cuối năm diễn ra vào cuối tuần trước, Tổng thống Putin đã đề cập tới việc kinh tế Nga “tiến tới đáy” thay vì “sắp hồi phục” như từng tuyên bố, đồng thời cảnh báo về khả năng Nga phải "thắt lưng buộc bụng" hơn nữa.

Trong bối cảnh đó, các dấu hiệu điển hình của nền kinh tế Nga vẫn không thay đổi.

Trong lĩnh vực ngân hàng, ngân hàng trung ương trong nhiều năm đã kết hợp bảo hộ các định chế nhà nước, kiểm soát quan liêu các ngân hàng, tăng giá các ngân hàng… Kết quả là, toàn ngành đạt mức tín dụng trên mỗi nhân viên thấp 5-15 lần so với các nước phát triển, thiếu tái cấp vốn kinh niên và tính không minh bạch thực tế trong cán cân thanh toán.

Đến nay, rắc rối mới chỉ tập trung chủ yếu ở các ngân hàng vừa và nhỏ, nhưng ngày càng có nhiều khách hàng gửi tiền rút tiền mặt khỏi các ngân hàng Nga, trong khi không ít khách hàng vay tiền không thể thanh toán khoản vay. Tệ hơn, các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đã siết chặt dòng vốn mà các ngân hàng Nga có thể huy động ở nước ngoài. Trong khi đó, lãi suất cao ngất ngưởng đang đe dọa tăng trưởng của nền kinh tế Nga.

Nhà chức trách Nga đã ra tay giúp đỡ hệ thống ngân hàng bằng cách bơm vốn cho một số nhà băng quốc doanh quy mô lớn. Dự đoán của German Gref, cựu Bộ trưởng Tài chính và Thương mại Nga, CEO của Ngân hàng Tiết kiệm Nga, trong năm 2016, thêm 10% các ngân hàng sẽ rời bỏ thị trường, tệ hơn là “đám cháy” sẽ không được kiểm soát gây ra sự sụp đổ của một hoặc hai ngân hàng lớn trong chuỗi, tạo ra sự hoảng loạn và ngưng trệ lớn trong toàn hệ thống.

Kịch bản liệu có lặp lại?

Không ai còn nghi ngờ khó khăn mà Nga gặp phải hiện nay bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng Ucraina. Trong một bài viết đăng trên trang tin của Hãng thông tấn Bình luận Trung Quốc, Giáo sư Vương Tứ Hải thuộc Đại học Địa chất Trung Quốc cho biết, sau khi Liên Xô (trước đây) can dự vào chiến trường Afghanistan, chuyên gia nghiên cứu vấn đề Liên Xô Richard Pipes thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ kiến nghị giảm giá dầu để tấn công kinh tế Liên Xô và chính quyền của Tổng thống Ronald Reagan đã chấp nhận.

Lấy cớ Liên Xô đưa quân đội tới Afghanistan, Mỹ đã thuyết phục các nước Hồi giáo A-rập nâng cao sản lượng khai thác để giảm giá dầu, trừng phạt kinh tế Liên Xô. Đầu năm 1985, Quốc vương A-rập Xê-út Abdulaziz Al Saud thăm Mỹ và Washington đã thuyết phục thành công nhà lãnh đạo này trong việc nâng cao sản lượng khai thác dầu.

Thực tế sau đó cho thấy trong vòng 1 năm, sản lượng khai thác dầu của A-rập Xê-út đã tăng lên 5 lần, từ mức mỗi ngày sản xuất 2 triệu thùng dầu vào đầu năm 1985 tăng lên 10 triệu thùng dầu/ngày của năm 1986.

Cũng trong khoảng thời gian đó, giá dầu đã giảm từ mức 32 USD/thùng xuống còn 13 - 14 USD/thùng và tới tháng 3-1986 chỉ là 9 - 10 USD/thùng. Cùng lúc này, Mỹ đã "thêm dầu vào lửa" bằng quyết định mở cửa kho dự trữ dầu mỏ và giá dầu quốc tế nhanh chóng rơi xuống mức 8USD/thùng.

Liên Xô buộc phải bán tống bán tháo lượng dầu tồn kho với giá 6 USD/thùng, nghĩa là thấp hơn 3 USD/thùng so với giá thành sản xuất. Sự tụt dốc thê thảm của giá dầu, theo Giáo sư Vương Tứ Hải, mỗi năm làm bốc hơi 20 tỷ USD thu nhập tài chính, giáng đòn hủy diệt, làm kinh tế Liên Xô hoàn toàn bị tê liệt.

Còn hiện nay, sau khi Nga can dự vào Ucraina và gần đây là Syria, một kịch bản tương tự dường như đang có cơ hội lặp lại.

Nói cách khác, theo Giáo sư Vương Tứ Hải, thuộc tính chính trị của dầu mỏ một lần nữa vượt qua thuộc tính kinh tế và cũng một lần nữa dầu mỏ trở thành vũ khí quan trọng để Mỹ tấn công Nga.

Theo Hà Lan

Quân đội nhân dân