Mỹ xây dựng "bức tường tên lửa" ở Thái Bình Dương?
(Dân trí) - Mỹ đang tiến gần hơn đến việc triển khai các tên lửa tầm trung và tầm xa ở khu vực Thái Bình Dương trong nỗ lực nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax ở Canada mới đây, tướng Charles Flynn, Tư lệnh Lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, cho biết Mỹ sẽ triển khai các tên lửa tầm trung và tầm xa, trong đó có Tomahawk và SM-6, đến khu vực Thái Bình Dương trong năm 2024.
Theo trang tin Defense One, Mỹ cũng có thể triển khai tên lửa tấn công chính xác với tầm bắn lên tới hơn 500km.
Kế hoạch này trở nên khả thi sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào năm 2019 vì cho rằng Nga không tuân thủ.
Các kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung và tầm xa của Mỹ ở Thái Bình Dương là một phần trong chiến lược tạo ra "bức tường tên lửa" ở khu vực.
Defense One nhận định, việc quân đội Mỹ triển khai tên lửa mới đánh dấu một sự thay đổi chiến lược ở Thái Bình Dương, phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về việc mở rộng hoạt động quân sự của Trung Quốc ở khu vực này.
Kế hoạch cũng cho thấy một chiến lược địa chính trị rộng lớn hơn nhằm duy trì sự ổn định và ngăn chặn các xung đột tiềm tàng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, trước đó, Asia Times cho rằng, các đồng minh của Mỹ như Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản có thể không sẵn sàng tham gia vào chiến lược "bức tường tên lửa" của Washington.
Giới tinh hoa chính trị Thái Lan đang cố gắng thiết lập mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc và muốn tránh căng thẳng chiến lược với Bắc Kinh.
Trong khi đó, Philippines dễ bị tổn thương trước sự phong tỏa của hải quân Trung Quốc khiến nguồn hỗ trợ từ Mỹ bị gián đoạn. Ngoài ra, năng lực phòng không và tên lửa của Philippines cũng hạn chế.
Hàn Quốc cũng dễ bị ảnh hưởng bởi sức ép của Trung Quốc vì nước này cần thị trường và ảnh hưởng của Bắc Kinh trên bàn đàm phán với Triều Tiên.
Khoảng cách địa lý và sự miễn cưỡng tham gia vào căng thẳng Mỹ - Trung về vấn đề Đài Loan cũng có thể khiến Australia từ chối trở thành căn cứ cho các tên lửa phóng từ đất liền của Mỹ.
Điều đó khiến Nhật Bản trở thành đối tác khả thi nhất trong chiến lược "bức tường tên lửa" của Washington. Nhật Bản không có những lỗ hổng và điểm yếu như các đối tác khác của Mỹ, ngoài việc từ lâu Tokyo đã miễn cưỡng cung cấp các hệ thống vũ khí tấn công như một phần trong chính sách hòa bình sau Thế chiến thứ hai.
Chính sách đó có thể thay đổi khi Nhật Bản từng bước xây dựng kho tên lửa tầm xa để tăng cường năng lực phòng thủ, phản công nhằm đề phòng Trung Quốc và Triều Tiên.
Bất chấp những nỗ lực tăng tốc để thiết lập những khả năng như vậy, Nhật Bản vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể như khả năng nhắm mục tiêu tầm xa hạn chế, chi phí sản xuất cao, công nghệ lạc hậu và khả năng tích trữ đạn dược hạn chế.
Do vậy, Nhật Bản có thể tìm cách giải quyết những khoảng trống về năng lực này bằng các tên lửa phóng từ mặt đất do Mỹ cung cấp trong khi nước này đang tăng tốc kho vũ khí nội địa của mình.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang xây dựng kho vũ khí tên lửa để chống lại sự ngăn chặn của Mỹ.
Kể từ năm 2000, quân đội Trung Quốc đã chuyển đổi lực lượng tên lửa của mình từ các hệ thống tên lửa tầm ngắn, có độ chính xác khiêm tốn sang các tên lửa hành trình và đạn đạo phóng từ mặt đất đa dạng và phong phú nhất thế giới.
Kho vũ khí này bao gồm các tên lửa đạn đạo tầm trung như Dong Feng-26 (DF-26) với tầm bắn lên tới 4.000km, có khả năng tấn công các căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ ở Guam và các tàu trên biển, hay tên lửa DF-21D được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay" với tầm bắn 1.550km.