Mỹ xác nhận đưa tên lửa vây Trung Quốc
Mỹ sẽ triển khai 7 khẩu đội tên lửa THAAD trước năm 2019, trong đó có các khẩu đội tại Hàn Quốc và Nhật Bản.
Thông tin về việc mở rộng lực lượng phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được Tư lệnh Bộ Tư lệnh phòng thủ tên lửa và không gian Mỹ (SMDC) David Mann khẳng định hôm 19/3.
Phát biểu tại Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, ông David Mann cho biết hiện có 4 khẩu đội THAAD đang trong giai đoạn khởi động. Khẩu đội THAAD đầu tiên đã được quân đội Mỹ triển khai tại đảo Guam vào năm 2013 nhằm đối phó với tên lửa của Triều Tiên. Đến cuối năm 2015, Washington sẽ bố trí thêm 3 khẩu đội nữa trên lãnh thổ Mỹ, trong đó có Texas.
Vụ thử nghiệm thành công THAAD hồi tháng 10/2011
Vụ thử nghiệm thành công THAAD hồi tháng 10/2011
Được biết, khẩu đội thứ 4 đang trong quá trình huấn luyện và sẽ đi vào hoạt động từ năm 2016. Còn khẩu đội thứ 5 sẽ chính thức được bố trí vào năm 2017. Theo kế hoạch đến năm 2019, lực lượng THAAD sẽ bao gồm 7 khẩu đội.
Đây là lần đầu tiên phía Mỹ chính thức xác nhận sẽ triển khai tên lửa THAAD tại Nhật Bản và Hàn Quốc, kế hoạch vốn bị Trung Quốc, Triều Tiên và cả Nga phản đối. Mới đây nhất, hôm 9/2, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken vẫn tuyên bố Washington chưa có quyết định về việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc.
Đáng chú ý là thông tin về việc Mỹ mở rộng THAAD được đài KBS của Hàn Quốc phát đi chiều ngày 21/3. Trong bối cảnh nội bộ Hàn Quốc vẫn còn những chia rẽ về THAAD thì đây có thể là tín hiệu cho thấy Seoul sớm muộn cũng sẽ gật đầu để “khớp” với kế hoạch Mỹ công bố.
Ai sợ tên lửa Mỹ?
Cho đến nay, Triều Tiên và Trung Quốc là hai nước phản đối quyết liệt nhất kế hoạch triển khai THAAD tại Hàn Quốc.
Hôm 19/3, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) phát đi xã luận nêu rõ việc Mỹ muốn triển khai THAAD tại Hàn Quốc là nhằm tăng cường ảnh hưởng của Washington tại khu vực châu Á-Thái bình Dương. Theo KCNA, Mỹ đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công tên lửa trong trường hợp cần thiết khi triển khai các loại thiết bị phòng thủ tên lửa sát Triều Tiên cũng như Trung Quốc và Nga.
KCNA nhận định: “Là một phần của chiến lược, Washington đang triển khai THAAD, yếu tố cốt lõi trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, tới Hàn Quốc”.
Tên lửa DF-21C của Trung Quốc
Phản ứng quyết liệt không kém Triều Tiên là Trung Quốc. Nhật báo Hàn Quốc "JoongAng Ilbo" số ra ngày 6/2 đưa tin Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từng đề nghị Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hae từ chối mọi đề nghị của Washington nhằm triển khai THAAD tại Hàn Quốc.
Theo đó, trong một cuộc gặp thượng đỉnh ở hồi tháng 7/2014 ở Seoul, ông Tập Cận Bình đã nói với bà Park Genun hae rằng "nếu Mỹ tìm cách triển khai hệ thống THAAD trong lãnh thổ Hàn Quốc với lý do để bảo vệ các binh sĩ Mỹ đồn trú tại đây thì Hàn Quốc, với tư cách là quốc gia có chủ quyền, cần thực hiện quyền của mình bày tỏ sự phản đối và như vậy THAAD sẽ không trở thành một vấn đề giữa Seoul và Bắc Kinh".
Mới đây, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Han Min Koo ngày 4/2, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã bày tỏ quan ngại về việc Mỹ có thể triển khai THAAD ở Hàn Quốc.
Hồi cuối tháng 11/2014, Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc Khâu Quốc Hồng trong cuộc hội kiến với ông Won Hye-young, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về quan hệ liên Triều và phát triển giao lưu hợp tác thuộc Quốc hội Hàn Quốc, đã bày tỏ lập trường của Bắc Kinh phản đối việc Seoul triển khai THAAD của Mỹ. Theo Đại sứ Trung Quốc, động thái này sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ song phương. Tổ hợp tên lửa THAAD có phạm vi hoạt động lên đến 2.000 km, không chỉ nhằm đến Triều Tiên mà còn có thể vươn đến tận Trung Quốc.
Quan chức ngoại giao Trung Quốc cho biết thêm tiến trình đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên có được nối lại hay không còn tùy thuộc vào Mỹ và Hàn Quốc.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc phản đối triển khai THAAD tại Hàn Quốc do lo ngại radar của tổ hợp này có thể giám sát cả các cơ sở quân sự của Trung Quốc. Mới đây, tờ "Thời báo Hoàn cầu" của Trung Quốc cũng ám chỉ THAAD có thể được sử dụng để chống tên lửa đạn đạo của Trung Quốc trong một cuộc xung đột tiềm tàng giữa Trung Quốc với Nhật Bản xung quanh vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai nước đang tranh chấp trên biển Hoa Đông.
Đi trên dây
Các chuyên gia an ninh khu vực cho rằng Hàn Quốc đã luôn ở trạng thái phải "đi trên dây" trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc trong các vấn đề nhạy cảm, trong đó THAAD được coi là một trong những "vấn đề nhạy cảm nhất" hiện nay.
Trước mối quan hệ nhạy cảm với Trung Quốc trong vấn đề bố trí THAAD, cho tới nay Hàn Quốc vẫn đưa ra những tuyên bố thận trọng.
Phát biểu trước báo giới ngày 11/3, người phát ngôn của Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) Min Kyung-wook cho biết hiện không có yêu cầu từ phía Mỹ về việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc. Ông này nói: "Vì không có yêu cầu (từ phía Mỹ) nên hai bên chưa có bất kỳ cuộc tham vấn nào và chưa có quyết định nào được đưa ra".
Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ đồng ý cho Mỹ triển khai THAAD
Tuy nhiên, trong nội bộ Hàn Quốc cũng có nhiều ý kiến ủng hộ việc triển khai THAAD. Trong cuộc họp ngày 9/3 của đảng cầm quyền Thế giới mới, các nghị sĩ đã đề xuất ý kiến ưu tiên triển khai THAAD trên bán đảo Triều Tiên. Theo nghị sĩ Yoo Seung-min, lãnh đạo đảng cầm quyền tại Quốc hội, việc xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến là cần thiết và là cách để bảo vệ quốc gia khỏi sự tấn công của miền Bắc.
Đảng Thế giới mới cam kết sẽ thu thập ý kiến trong đảng về vấn đề trên cho đến cuối tháng Ba này. Phát biểu của ông Yoo Seung-min được cho là sẽ khơi mào cho một cuộc "tranh luận nảy lửa" trong đảng cầm quyền.
Trong khi đó, một số nhà hoạt động cáo buộc đảng cầm quyền đẩy việc quyết định triển khai THAAD cho giới chức quân đội Hàn Quốc và quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc (USFK), đồng thời cho rằng triển khai THAAD sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ giữa Hàn Quốc với Trung Quốc và Nga.
Vì Seoul cần THAAD?
Giới phân tích cho rằng Hàn Quốc từ lâu đã bị đe dọa bởi các chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc, bao gồm cả thủ đô Seoul với hơn 10 triệu dân, đều nằm trong tầm bắn của tên lửa của Triều Tiên.
Mặc dù lo ngại có thể ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc (và Nga), song hầu hết các quan chức Hàn Quốc đều thừa nhận nếu THAAD được triển khai bởi USFK thì sẽ giúp tăng cường sức mạnh an ninh và quốc phòng cho nước này.
Ở một khía cạnh khác, các nhà phân tích cho rằng phát biểu của giới chức Hàn Quốc cho thấy nỗ lực của chính quyền nước này nhằm duy trì cái gọi là "sự mơ hồ về mặt chiến lược" xung quanh vấn đề THAAD, vốn được coi là yếu tố rất nhạy cảm, có thể khiến quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất hiện nay của Hàn Quốc, trở nên căng thẳng.
Radar AN/TPY-2 của THAAD
Mỗi khẩu đội THAAD bao gồm 4 xe phóng mang tên lửa (8 ống phóng/xe), radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/TPY-2, 1 xe trung tâm điều khiển di động và 2 trung tâm hoạt động chiến thuật TOC (hệ thống xử lý dữ liệu Hewlett-Packard HP-735). Trong đó, AN/TPY-2 là một radar mạng pha hoạt động ở băng tần X, có khả năng phát hiện tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung ở cự ly 1.000km.
Bất chấp sự lưỡng lự từ phía Hàn Quốc, Tư lệnh USFK, Tướng Curtis Scaparrotti trong một diễn đàn ở Seoul vào tháng 6/2014 từng cho biết Mỹ đang xem xét việc triển khai hệ thống THAAD trên bán đảo Triều Tiên. Giới chức Mỹ khẳng định hệ thống này hoàn toàn chỉ được thiết kế để chống lại các mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel ngày 17/3 đã gạt bỏ quan ngại của Bắc Kinh về THAAD ở Hàn Quốc. Trả lời báo giới sau cuộc gặp Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Lee Kyung-Soo, ông Russel nói: “Tôi lấy làm lạ là tại sao một nước thứ 3 lại phản ứng mạnh mẽ như vậy về một hệ thống an ninh thậm chí còn chưa được triển khai và vẫn còn trên lý thuyết”.