1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ với chiến lược "siết vòng kim cô" quanh Triều Tiên

Cùng với những động thái thể hiện sự cứng rắn hơn so với trước đây, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tăng cường tiếp cận các quốc gia ở châu Á để siết chặt hơn sự bao vây, cấm vận nhằm gây áp lực tối đa với Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm liên tiếp với lãnh đạo 3 nước Đông Nam Á để trao đổi về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm liên tiếp với lãnh đạo 3 nước Đông Nam Á để trao đổi về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên

Nhà Trắng ngày 30-4 cho biết, Tổng thống Donald Trump đã có các cuộc điện đàm liên tiếp với lãnh đạo các nước Đông Nam Á là Thái Lan, Singapore và Philippines. Nội dung các cuộc điện đàm ngoài những vấn đề song phương cũng như tái khẳng định cam kết của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với những nước Đông Nam Á này, còn dành “một thời lượng đáng kể” về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cùng chính sách của Washington nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Không biết do ngẫu nhiên hay có chủ đích, các cuộc điện đàm liên tiếp với 3 nhà lãnh đạo Đông Nam Á, một động thái có vẻ “khác lạ” của Tổng thống Donald Trump, diễn ra đúng vào ngày Triều Tiên lại tiến hành một vụ thử tên lửa. Tổng thống Donald Trump, theo sự dẫn lời của Nhà Trắng, đã thảo luận với lãnh đạo 3 quốc gia Đông Nam Á về “các cách thức để duy trì áp lực kinh tế và ngoại giao lên Bình Nhưỡng”.

Việc Triều Tiên liên tiếp tiến hành thử tên lửa là một sự thách thức đối với các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Với Mỹ và các đồng minh của Washington tại Đông Bắc Á, Triều Tiên tiếp tục các nỗ lực phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân là một mối đe dọa nghiêm trọng.

Chính vì thế, chính quyền Tổng thống Donald Trump với chính sách cứng rắn đã khai triển một chiến lược tổng thể để đối phó với Bình Nhưỡng. Mỹ đã điều đến khu vực bán đảo Triều Tiên một lực lượng không chỉ thừa sức ngăn chặn cuộc tấn công bằng tên lửa mà còn sẵn sàng đánh “đòn phủ đầu” trong trường hợp Bình Nhưỡng vượt “ranh giới đỏ” mà Washington đặt ra.

Bên cạnh tuyên bố “để ngỏ tấn công quân sự” trong đối phó với chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã rất chú trọng tới việc gây áp lực toàn diện về kinh tế, chính trị và ngoại giao.

Sức ép của Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho thấy hiệu quả bước đầu khi Bắc Kinh - đồng minh và đối tác kinh tế lớn nhất của Bình Nhưỡng, đang siết dần các biện pháp hạn chế làm ăn kinh tế với Triều Tiên theo lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Các quốc gia Đông Nam Á, tuy nằm cách xa khu vực Đông Nam Á nhưng giữ vai trò nòng cốt trong ASEAN - tổ chức khu vực với các cơ chế tham vấn và đối thoại với các cường quốc ở châu Á và thế giới, có vai trò quan trọng đối với các vấn đề hòa bình và an ninh của không chỉ Đông Nam Á mà còn cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một số nước Đông Nam Á đồng thời cũng là những đối tác kinh tế đáng kể của Triều Tiên.

Từ bối cảnh tổng thể đó mới thấy những cuộc điện đàm liên tiếp và mời các nhà lãnh đạo 3 nước Đông Nam Á, bao gồm cả Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, “tới thăm Nhà Trắng” của Tổng thống Donald Trump không hề “khác lạ”. Đó có thể xem là những “mắt xích” quan trọng trong chiến lược tổng thể mà chính quyền Donald Trump hoạch định nhằm siết chặt, gây áp lực tối đa lên chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên.

Theo Hoàng Hà

An ninh thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm