1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ "vạch mặt" Trung Quốc về vụ thử tên lửa diệt vệ tinh mờ ám

(Dân trí) - Trung Quốc đã bí mật tiến hành thử nghiệm một loại tên lửa tầm xa mới có khả năng phá hủy các vệ tinh trong quỹ đạo, theo các đánh giá tình báo của Mỹ. Giới chức quốc phòng tại Washington đã bày tỏ lo ngại về vụ thử nghiệm mờ ám này.

Một vụ phóng tên lửa của Trung Quốc tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương.

Một vụ phóng tên lửa của Trung Quốc tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương.

Vụ thử nghiệm mờ ám

Tối ngày 13/5 giờ địa phương, cư dân mạng Trung Quốc đã đăng tải các bức ảnh chụp một vật thể lạ phát sáng trên bầu trời miền đông nam nước này. Các blogger nói rằng nói đã nhìn thấy một vật thể bay không xác định (UFO) của người ngoài hành tinh.

Vật thể phát sáng đã gây ra nhiều đồn đại trên các mạng xã hội tại Trung Quốc, khiến truyền thông nhà nước buộc phải lên tiếng bác bỏ các thông tin về UFO.

Trung Quốc hôm 14/5 cho hay một tên lửa mang theo thiết bị nghiên cứu khoa học đã được phóng lên vũ trụ từ trung tâm phóng tại tỉnh Tứ Xuyên, tây nam đất nước. Bắc Kinh nói rằng vụ phóng là một phần của sứ mệnh thu thập dữ liệu khoa học.

Điều đáng nói là Trung Quốc không hề tiết lộ trước thông tin gì về vụ phóng và chỉ lên tiếng một ngày sau vụ thử nghiệm và sau khi đã xuất hiện các đồn đoán của cư dân mạng về vật thể bay ngoài hành tinh.

"Tên lửa được phóng lúc 9 giờ tối ngày 13/5 từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương ở đông nam Trung Quốc để nghiên cứu các hạt phân tử năng lượng và các từ trường trong địa tầng bị ion hóa và khoảng không gần trái đất", các quan chức từ Trung tâm khoa học vũ trụ quốc gia Trung Quốc cho biết với truyền thông nhà nước.

"Cuộc thử nghiệm đã đạt được các mục tiêu mong đợi bằng cách cho phép các nhà khoa học thu thập những dữ liệu đầu tiên liên quan tới môi trường vũ trụ ở các độ cao khác nhau", hãng tin Xinhua đưa tin.

Sau đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố trong một cuộc họp báo hôm 16/5: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng Trung Quốc luôn ủng hộ sử dụng không gian vì mục đích hòa bình và phản đối vũ khí hóa vũ trụ cũng như một cuộc chạy đua vũ trang trên vũ trụ”.

Mỹ "vạch mặt" vụ thử của Trung Quốc

Trung Quốc đã phủ nhận các cáo buộc nói rằng vụ phóng tên lửa là một sự phát triển quân sự khiêu khích.

Tuy nhiên, khẳng định của Bắc Kinh đã bị nghi ngờ. Một nguồn tin quốc phòng Mỹ giấu tên cho hay vụ thử nghiệm hôm 13/5 dường như là vụ thử đầu tiên của một loại tên lửa mới có thể phá hủy các vệ tinh trong quỹ đạo.

Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Mỹ, Trung tá Monica Matoush, hôm 15/5 cho hay không vật thể nào được đưa vào quỹ đạo sau vụ phóng như tuyên bố của Trung Quốc.
 
An Bình

Vật thể lạ phát sáng trên bầu trời Trung Quốc hôm 13/5 được Mỹ xác định là một tên lửa diệt vệ tinh.

"Chúng tôi đã theo dõi vài vật thể trong vụ phóng như không quan sát thấy bất kỳ vật thể nào đi vào quỹ đạo và không vật thể nào liên quan tới vụ phóng này còn trong vũ trụ", phát ngôn viên nói.

Mặc dù Lầu Năm Góc không bình luận trực tiếp về đánh giá tình báo của vụ phóng tên lửa mới nhất, nhưng các quan chức quốc phòng đã cáo buộc Trung Quốc tiến hành vụ thử tên lửa diệt vệ tinh dưới vỏ bọc của một dự án thám hiểm vũ trụ.

Mike Rogers, chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ, đã bày tỏ những lo ngại của Washington về vụ thử nghiệm. "Bất kể khi nào một quốc gia tìm cách có được vị thế hung hăng hơn trên vũ trụ, điều đó rất đáng lo ngại", ông nói.

Theo ông Jonathan McDowell, từ Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, tên lửa của Trung Quốc đã vươn tới độ cao 10.000km bên trên trái đất.

Ông McDowell cho hay tất cả các vụ phóng quỹ đạo thấp trên 10.000km trước đó đều do Mỹ thực hiện. Các vụ thử tên lửa trước đây của Trung Quốc chưa tới 2.000km, mặc dù Bắc Kinh đã phóng các phương tiện quỹ đạo cao hơn, trong đó có tàu thăm dò lên mặt trăng.

Vụ phóng tên lửa tầm xa của Trung Quốc có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các hệ thống thông tin liên lạc của quân đội Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Các hệ thống thông tin liên lạc và định vị cho các nhóm tàu sân bay tấn công, máy bay trinh sát và các máy bay ném bom tầm xa hoạt động từ Guam và phía bắc Australia đều phụ thuộc vào mạng lưới các vệ tinh thuộc hệ thống định vị toàn cầu.

Lầu Năm Góc đề phòng

Mỹ đã theo dõi tất cả các vụ phóng tên lửa của Trung Quốc. Lầu Năm Góc đã cảnh báo trong các báo cáo thường niên về chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc rằng Bắc Kinh đang phát triển khả năng diệt vệ tinh.

Tên lửa chống vệ tinh đầu tiên được Trung Quốc phóng lên là vào năm 2007. Nó đã phá hủy một vệ tinh thời tiết cũ của Trung Quốc, gây ra những lo ngại tại Washington. Khi đó, tên lửa cũng được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương.

Các quan chức Mỹ cho hay tên lửa mới nhất của Trung Quốc có tới 4 tầng, trong đó có một tầng nhiên liệu lỏng cung cấp lực đẩy bổ sung ở giai đoạn cuối của cuộc hành trình.

Nhấn mạnh tới mối lo ngại ngày càng gia tăng tại Washington về các khả năng chống vệ tinh của Trung Quốc, Lầu Năm Góc hồi tháng này cho biết sẽ có một chương trình nhằm chế tạo các hệ thống vũ khí để bảo vệ hàng loạt các vệ tinh tình báo và thông tin của Mỹ.

Bất chấp việc cắt giảm ngân sách quốc phòng, sự đầu tư vào công nghệ nhằm bảo vệ các vệ tinh của Mỹ khỏi bị tấn công đã được tính đến trong ngân sách quốc phòng 2014.

Hồi tuần trước, Lầu Năm Góc đã công bố một cáo báo dài 83 trang về sự phát triển quân sự của Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh tới các khả năng vũ trụ ngày càng gia tăng của Bắc Kinh và nói rằng Trung Quốc đang theo đuổi một loạt hoạt động nhằm ngăn chặn các đối thủ sử dụng các tài sản vũ trụ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

David Helvey, phó trợ lý Bộ trưởng quốc phòng đặc trách Ðông Á, mới đây cho hay Trung Quốc đã tiến hành 18 vụ phóng vụ trụ trong năm ngoái để mở rộng việc do thám các vệ tinh.

"Cùng lúc đó, Trung Quốc đang nhanh chóng cải thiện các khả năng nhằm hạn chế hoặc ngăn cản các nước khác tiếp cận và sử dụng không gian", ông Helvey nói.

An Bình