1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ vạch "lằn ranh đỏ" với Nga và Triều Tiên ở Kursk

Minh Phương

(Dân trí) - Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo, lực lượng quân sự Triều Tiên chiến đấu ở tỉnh Kursk của Nga có thể trở thành "mục tiêu hợp pháp" của Ukraine.

Mỹ vạch lằn ranh đỏ với Nga và Triều Tiên ở Kursk - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller (Ảnh: Anadolu).

Tại một cuộc họp báo ngày 17/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cảnh báo quân nhân Triều Tiên hoạt động trên lãnh thổ Nga là mục tiêu hợp pháp của quân đội Ukraine vì họ chính thức tham gia vào cuộc xung đột.

"Binh sĩ Triều Tiên được triển khai gần Kursk đã tham gia vào cuộc xung đột và với tư cách là chiến binh, họ là mục tiêu hợp pháp của Lực lượng vũ trang Ukraine", ông Miller nói.

Đồng thời, ông Miller cảnh báo việc binh sĩ Triều Tiên vượt biên giới Ukraine sẽ bị coi là sự leo thang không chỉ của Moscow mà còn của Bình Nhưỡng. Washington tin rằng một bước đi như vậy sẽ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn và dẫn đến những hậu quả quốc tế phức tạp hơn.

Tuy nhiên, ông Miller từ chối nêu cụ thể về phản ứng của Mỹ nếu tình hình Kursk leo thang.

Cảnh báo trên được đưa ra sau khi Lầu Năm Góc cho biết lực lượng quân sự Triều Tiên triển khai ở tỉnh Kursk của Nga đã chịu tổn thất khi đối đầu với quân đội Ukraine.

Nga và Triều Tiên hiện chưa bình luận về những phát ngôn từ Washington.

Việc Mỹ cảnh báo quân đội Triều Tiên ở Kursk là "mục tiêu hợp pháp" cho Ukraine là một diễn biến đáng chú ý bởi động thái này có thể làm gia tăng căng thẳng mối quan hệ vốn phức tạp giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Tình báo phương Tây nói rằng, Triều Tiên đã triển khai hơn 11.000 quân đến Nga tham gia các khóa huấn luyện. Gần đây, các đơn vị của Triều Tiên được cho là đã đến Kursk chiến đấu cùng quân đội Nga để đẩy lùi lực lượng Ukraine đang chiếm giữ một phần lãnh thổ ở đây kể từ tháng 8.

Các báo cáo về khả năng quân đội Triều Tiên tham gia vào cuộc xung đột Nga - Ukraine đang gây lo ngại ở phương Tây. Trước đó, các cơ quan tình báo phương Tây cáo buộc Bình Nhưỡng cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga.

Nga không xác nhận và cũng không phủ nhận sự hiện diện của lính Triều Tiên trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, Nga nhiều lần nhấn mạnh họ dựa vào nguồn lực của chính mình và gọi những cáo buộc như vậy là một phần của cuộc chiến thông tin.

Trong khi đó, Triều Tiên nói rằng bất kỳ hoạt động triển khai nào như vậy đều hợp pháp, phù hợp với hiệp định hợp tác chiến lược giữa Bình Nhưỡng và Moscow.

Theo hãng thông tấn KCNA, Hiệp ước Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Triều Tiên và Nga, được lãnh đạo hai nước ký kết hồi tháng 6, chính thức có hiệu lực từ ngày 4/12.

Hiệp ước nêu rõ, hai nước nên "ngay lập tức hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác bằng mọi phương tiện sẵn có" nếu một trong hai bên rơi vào tình trạng chiến tranh.

Mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Triều Tiên khiến Ukraine và phương Tây lo ngại. Theo các nguồn tin, đây là một trong những lý do khiến Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden quyết định cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa do Washington viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Theo Newsweek

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm