1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ và vụ thử tên lửa của Trung Quốc

(Dân trí) - Tháng 1/2007, sau khi Trung Quốc thử thành công tên lửa chống vệ tinh, chính phủ Mỹ lên án vụ thử đã làm thế giới thêm bất ổn. Đây là lần đầu tiên trong vòng hơn 20 năm có một nước thử thành công loại tên lửa này, đặt các vệ tinh của Mỹ trong tầm đe doạ.

Chính sách giữ im lặng

 

Còn các chuyên gia vũ trụ than phiền rằng nó đã tạo ra một đám mây các mảnh vụn bay quanh quỹ đạo. Các nhà ngoại giao Mỹ đã phàn nàn tất cả những lo ngại đó với các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh.

 

Tuy nhiên, có một điều mà họ giữ kín. Đó là các cơ quan tình báo Mỹ đã biết trước vụ phóng tên lửa chống vệ tinh của Trung Quốc tại Songlin. Trong những buổi thảo luận cấp cao, các quan chức trong chính quyền Bush đã bàn luận rất sôi nổi về cách đối phó với vụ việc. Thậm chí họ còn soạn trước một bản phản đối. Tuy nhiên, cuối cùng họ quyết định giữ im lặng cho đến sau khi Bắc Kinh thực hiện xong vụ thử.

 

Nhiều bằng chứng cho thấy chính quyền Mỹ cảm thấy lúng túng trong việc “đối xử” với Trung Quốc. Thứ nhất bởi nước Mỹ không đủ lực để ngăn một chương trình quân sự quan trọng của Trung Quốc. Thứ hai bởi Mỹ cũng không muốn để Bắc Kinh thấy Mỹ biết các hoạt động quân sự của họ.

 

Được cơ quan tình báo Mỹ đặt tên là SC-19, vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc gồm một tên lửa tầm trung chạy bằng nhiên liệu rắn, mang theo một thiết bị định vị, để phá huỷ vệ tinh của kẻ thù. Nó được bắn đi từ một bệ phóng di động.

 

Trước đó, Mỹ đã từng xác định được hai vụ thử loại vũ khí này, một vào ngày 7/7/2005 và một vào ngày 6/2/2006. Tuy nhiên không có vụ thử nào thành công. Trong vụ thử thứ hai, tên lửa đã bay sượt qua vệ tinh mục tiêu. Đối với cả hai vụ thử, chính quyền Bush không hề phàn nàn một tiếng với Trung Quốc.

 

Tháng 12/2006 và đầu tháng 1 năm nay, các cơ quan tình báo Mỹ nhận được dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị thử một quả tên lửa chống vệ tinh khác. Bệ phóng tên lửa di động cho SC-19 liên tục được phát hiện thấy ở khu thử Songlin.

 

Đầu tháng 1, Cơ quan tình báo không gian quốc gia Mỹ, một cơ quan chuyên thu thập và phân tích các thông tin do thám, cũng cảnh báo một vụ thử SC-19 có thể sẽ diễn ra trong tháng đó.

 

Mục tiêu của loại vũ khí là vệ tinh dự báo thời tiết cũ của Trung Quốc, vệ tinh -Yun-1C. Không lực Mỹ đã cẩn thận theo dõi vệ tinh này trong ngày tiến hành vụ thử. Theo Geoff Forden, nhà nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Massachusetts, họ đã tiến hành xác định vị trí của vệ tinh 6 lần trong ngày hôm đó, thay vì 2 lần như mọi khi.

 

Cách đối phó

 

“Có nhiều cuộc thảo luận về các cách đối phó với vụ thử sắp xảy ra: liệu có nên ngăn chặn họ từ trước hay sẽ đợi để xem họ có thực hiện thành công hay không”, tướng Walter L. Sharp cho biết.

 

Cuối cùng họ đi đến kết luận khó có thể làm Trung Quốc huỷ vụ thử, và có rất ít lý do chính đáng để trừng phạt nước này nếu họ phớt lờ cảnh báo của Mỹ. 

 

Chính quyền Bush cũng không xem xét đến việc đàm phán sử dụng vũ khí không gian theo như yêu cầu của phía Trung Quốc. Bởi lần cuối cùng Mỹ tiến hành thử vũ khí chống vệ tinh, một loại tên lửa được bắn vào không gian từ máy bay chiến đầu F-15, từ năm 1985. Và hiện tại họ không có kế hoạch phát triển hệ thống chống vệ tinh mới.

 

Tuy nhiên, chính quyền Bush vẫn phải duy trì khả năng nhất định cho hoạt động quân sự ở trên không. Chính vì vậy, họ quyết định sẽ theo dõi sự chuẩn bị của Trung Quốc và soạn sẵn một bản phản đối để đưa ra ngay sau vụ thử.

 

Sớm ngày 11/1, SC-19 đã được phóng đi và bắn trúng vệ tinh mục tiêu đang bay trên quỹ đạo cách trái đất 760km. Kể từ đó Mỹ quan sát thấy khoảng 1.600 mảnh vụn vỡ ra từ vệ tinh bị phá huỷ bay chung quanh trái đất. Họ lo ngại chúng có nguy cơ đâm vào các tàu vũ trụ khác trong không gian.

 

Đối với Lầu Năm Góc, họ càng lo ngại hơn về vấn đề an ninh quốc gia. Theo như kết quả của vụ thử, một số nhà phân tích tình báo Mỹ kết luận có thể ngay năm sau Trung Quốc sẽ triển khai vũ khí chống vệ tinh, đe doạ các vệ tinh chụp ảnh của Mỹ ở tầng quỹ đạo thấp.

 

“Chúng tôi đã từng bị sốc khi biết Nga đưa được vệ tinh lên quỹ đạo trước chúng tôi”, tướng Michael Moseley, người đứng đầu cơ quan Không lực Hoa Kỳ cho biết tại một cuộc hợp báo gần đây. “Và chúng tôi cũng bị sốc như vậy khi Trung Quốc bắn hạ thành công một vệ tinh. Xét về mặt thiên văn học, nó đã làm cho vũ trụ trở nên nguy hiểm hơn trước kia.”

 

Nhiều quan chức Lầu Năm Góc tin rằng mục đích của vụ thử là tạo điều kiện cho quân đội Trung Quốc có khả năng ngăn chặn vệ tinh chụp ảnh của Mỹ, cũng như hạn chế các hoạt động quân sự của nước này nếu xảy ra một cuộc đối đầu về vấn đề Đài Loan.

 

Tuy nhiên, Mỹ có thể đối phó với đe doạ mới bằng cách phát triển khả năng phóng nhanh vệ tinh mới, và nâng cấp hệ thống máy cảm ứng trong không gian. Hệ tống máy cảm ứng này có thể cho biết các vệ tinh bị hỏng do lỗi kỹ thuật hay do bị kẻ thù tấn công.

 

Ngoài ra, James E. Cartwright, người đứng đầu cơ quan Chỉ huy chiến lược trong một cuộc điều trần trước quốc hội gần đây đã đưa ra một giải pháp khác để bảo vệ các vệ tinh của Mỹ. Đó là tấn công các bệ phóng của kẻ thù bằng tên lửa không mang đầu đạn hạt nhân, được phóng từ tàu ngầm Trident. Nhưng nhiều nhà lập pháp lại lo ngại đối phương có thể nhầm đó là tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Kết quả, nó có thể châm ngòi cho một cuộc chiến hạt nhân không mong muốn.

 

Mỹ nên ngăn chặn Trung Quốc

 

Trong khi đó một cuộc tranh luận gay gắt khác lại nổi lên. Đó là liệu Mỹ có thể ngăn được vụ thử của Trung Quốc hay không. “Hoàn toàn có thể ngăn chặn được”, Joseph Cirincione, thuộc Trung tâm phát triển Mỹ nhận định. “Trung Quốc nhiều năm nay đã đưa ra một bản hiệp ước cấm vũ khí trong không gian. Song chúng ta đã từ chối”.

 

Peter W. Rodman, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ, lập luận ngược lại. “Thật thần thoại khi nói sẽ luôn có một thoả thuận. Quân đội Trung Quốc từ nhiều năm nay không ngừng tìm cách đánh bại được một siêu cường dựa vào khả năng phát triển những thiết bị công nghệ cao, như vệ tinh. Họ đã kiên nhẫn phát triển khả năng này. Tôi không thấy lý do họ lại phải đánh đổi nó.”

 

Còn chính quyền Bush hi vọng qua con đường ngoại giao họ sẽ thuyết phục Trung Quốc không thực hiện thêm vụ thử nào nữa. Song trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng trước, tướng Pace, hầu như không có cơ hội để thảo luận về chương trình chống vệ tinh của Trung Quốc. “Có một số vấn đề nhất định họ rất cởi mở, nhưng có những vấn đề họ luôn giữ kín.” – Ông nói.

 

Nguyên Hạ
Theo New York Times