Mỹ và phương Tây đang chống IS hay Nga?
Tờ nhật báo cánh hữu Libero (Italy) số ra mới đây đăng bài phân tích của nhà bình luận Maurizio Del Pietro với nhận định rằng, phương Tây đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi đứng ra bảo vệ cho Thổ Nhĩ Kỳ chơi trò hai mặt.
Việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ không đứng về phía Nga trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) là "một sai lầm nghiêm trọng".
Vậy rốt cuộc châu Âu và Mỹ muốn tiến hành chiến tranh với IS hay với nước Nga? Theo Del Pietro, các nhà lãnh đạo châu Âu và đặc biệt là Mỹ muốn đánh Nga hơn là ném bom xuống thành phố Raqqa cũng như các căn cứ của IS trên lãnh thổ Syria và Iraq.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay của Nga trong một "sự cố" mà Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan tuyên bố "không hề muốn xảy ra" trên thực tế là hành động cho thấy phương Tây không coi IS là kẻ thù, mà ngược lại đã hành động như một đồng minh của IS. Những hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó là sự bảo vệ của NATO và Mỹ cho thấy đó thực chất là một "liên minh chống Putin".
Đằng sau cái bắt tay chưa chắc là sự hợp tác thật lòng. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Việc NATO ngày 2/12 vừa qua tuyên bố mời Montenegro gia nhập liên minh quân sự này là một bước tiến sâu hơn nữa trong việc lôi kéo các nước từng nằm trong quỹ đạo của Liên Xô trước kia và Nga bây giờ đứng về phía họ. Theo Del Pietro, Montenegro hoàn toàn không có ý nghĩa chiến lược về quân sự, nhất là khi bị kẹp giữa các quốc gia thuộc Liên bang Nam Tư trước kia và Albania.
Do đó, ý nghĩa duy nhất của "lời mời" này là nhằm tước đi của ông Putin một “điểm tựa” ở Balkan. Điều kỳ quặc là sau khi Paris bị tấn công khủng bố và sau khi Nga tham chiến bằng các đợt không kích hiệu quả vào các vị trí của IS, thì Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ bắn rơi máy bay của Nga. Đây là một sai lầm lớn, khiến dư luận thực sự nghi ngờ ý đồ của Thổ Nhĩ Kỳ và điều đương nhiên là Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một “nhân vật lộ diện” trong cuộc chiến nói trên.
Theo Del Pietro, từ lâu, Tổng thống Erdogan đã tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham chiến chống IS, nhưng thực chất, nước này đã dành phần lớn thời gian cho cuộc chiến chống quân đội của người Kurd, kẻ thù truyền thống của Ankara nhưng là lực lượng duy nhất trên bộ có khả năng đương đầu hiệu quả với IS.
Câu hỏi đặt ra là: Thực chất ông Erdogan đang chơi trò gì? Câu trả lời đã có vào ngày 2/12 vừa qua sau khi quân đội Nga công bố các bức ảnh vệ tinh cho thấy chính Tổng thống Erdogan và gia đình ông ta kiếm lợi từ các thương vụ dầu mỏ với IS trị giá hàng tỉ USD mỗi năm. Và IS vẫn tồn tại.
Dường như Nga đã thực hiện từ rất lâu việc thu thập các chứng cứ để buộc tội ông Erdogan và tay chân trong các thương vụ dầu mỏ với IS. Nga cũng đã chuẩn bị kỹ để chơi bài ngửa với phương Tây sau khi chiếc máy bay chở khách của họ bị đánh bom khủng bố và rơi trên bán đảo Sinai (Ai Cập).
Đương nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận các cáo buộc, cho rằng đó là dối trá. Nhưng các phản bác xem ra thiếu thuyết phục và yếu ớt. Tuy nhiên, vấn đề không phải là chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm gì mà là thái độ của NATO và châu Âu. Với NATO, Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên. Còn Liên minh châu Âu, sau nhiều năm phản đối Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này, dường như họ đang mở rộng vòng tay chào đón nước này.
Với những hành động của mình, phương Tây và Mỹ đã khiến người ta thiên về giải thiết “thích” chống Nga hơn chống IS.
Theo TTK/baotintuc.vn
http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/my-va-phuong-tay-dang-chong-is-hay-nga-20151206212428572.htm