1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ và CHDCND Triều Tiên lại "khẩu chiến"

Một ngày sau xác nhận của Bình Nhưỡng về việc tiếp tục sản xuất plutonium và không có kế hoạch dừng lại các vụ thử hạt nhân, tình hình ở bán đảo Triều Tiên lại tiếp tục căng thẳng. Mỹ đã có những phản ứng khá mạnh mẽ khiến cả CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đều đặt trong tình trạng báo động cao.

Theo tin từ hãng Reuters, ngày 18-8, CHDCND Triều Tiên đã lập 3 căn cứ pháo phòng không mới ở ngoại ô phía Đông của thủ đô Bình Nhưỡng như một phần trong nỗ lực bảo vệ thủ đô và các căn cứ quân sự của nước này.

Đồng thời, các hình ảnh từ vệ tinh mà Trường nghiên cứu quốc tế Johns Hopkins (SAIS) thu được còn cho thấy, ngoài 3 căn cứ phòng không nổi này, CHDCND Triều Tiên còn tăng cường thêm một căn cứ phòng không chìm dưới lòng đất.

Chưa hết, Bình Nhưỡng còn lên án việc Mỹ gần đây đã triển khai thêm các loại máy bay ném bom hạt nhân tới Guam, đồng thời đe dọa rằng nhiều căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương sẽ phải đối mặt với sự hủy diệt trong trường hợp Washington có những hành động liều lĩnh.

Tên lửa thế hệ mới của Hàn Quốc Hyunmoo-3 và Hyumoo-2.  Ảnh: Reuters
Tên lửa thế hệ mới của Hàn Quốc Hyunmoo-3 và Hyumoo-2. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn trung ương CHDCND Triều Tiên KCNA trích dẫn một tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này có đoạn viết: “Việc Mỹ đưa các máy bay ném bom hạt nhân chiến lược tới Guam cho thấy kế hoạch tấn công phủ đầu bằng hạt nhân của Washington vào CHDCND Triều Tiên đã bước vào giai đoạn thực hiện liều lĩnh. Các động thái quân sự này của Mỹ là một phần trong chiến lược hiểm độc nhằm kiềm chế Nga và Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đồng thời duy trì bá quyền quân sự ở khu vực này…”.

Cũng theo tuyên bố này thì CHDCND Triều Tiên và quân đội nước này sẽ không “giương mắt ngồi nhìn” các mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ mà sẽ “mài sắc hơn thanh gươm quý báu” (là các loại vũ khí hạt nhân) để bảo vệ chủ quyền và an ninh của đất nước”.

Trước đó một ngày, Bình Nhưỡng cũng xác nhận rằng đang tiếp tục sản xuất plutonium và không có kế hoạch dừng lại nếu vẫn còn cảm thấy mối đe dọa từ phía Mỹ. Viện Năng lượng nguyên tử CHDCND Triều Tiên, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý các cơ sở hạt nhân chủ chốt tại Yongbyon thì tiết lộ rằng họ đang xử lý các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và lấy ra từ một lò phản ứng graphite.

Mỹ ngay lập tức đã chỉ trích CHDCND Triều Tiên và cho rằng nếu nước này nối lại hoạt động sản xuất plutonium thì sẽ vi phạm trắng trợn các nghị quyết trước đây của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ).

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Washington D.C, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner đã kêu gọi Bình Nhưỡng tránh làm trầm trọng thêm những căng thẳng trong khu vực và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế và giải giáp hạt nhân.

Một số tờ báo của Mỹ thì dẫn lời quan chức quốc phòng cho hay, để chuẩn bị đối phó với Bình Nhưỡng, ngoài việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc, Mỹ còn có kế hoạch thiết lập một hệ thống phòng thủ hải quân kiểu THAAD bằng cách lắp đặt các tên lửa đánh chặn trên các tàu chiến của Hàn Quốc được bố trí ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên trước năm 2020.

Trước đó, hôm 9-8, thông báo của Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ cho biết, 3 máy bay ném bom B-2 có khả năng mang bom nguyên tử và tàng hình trước radar của đối phương đã được triển khai từ căn cứ không quân Whiteman ở bang Missouri của Mỹ tới căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam.

Về phía Hàn Quốc, là nước giáp biên giới CHDCND Triều Tiên, nước này rất lo lắng trước những tuyên bố mới từ Bình Nhưỡng. Sáng 18-8, khi được hỏi về những thông tin mới này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang Gyun cho biết, Seoul có kế hoạch tham vấn các nước hữu quan và ứng phó với tuyên bố của CHDCND Triều Tiên về việc nước này nối lại hoạt động sản xuất plutonium.

Tờ Donga Ilbo thì dẫn lời một quan chức quốc phòng khác của Hàn Quốc cho biết, nước này cũng dự định triển khai một số tên lửa đạn đạo gồm tên lửa Hyunmoo-2A và 2B, tên lửa Hyunmoo-3 tới khu vực biên giới với CHDCND Triều Tiên.

Ngày 18-8, Seoul cũng đã tiến hành cuộc tập trận pháo binh lớn nhất từ trước đến nay ngay tại biên giới với Bình Nhưỡng. Tham gia cuộc tập trận này có khoảng 300 khẩu pháo tự hành K-9 và K-55 đến từ 49 tiểu đoàn.

Theo Phan Hiển

Công an nhân dân