1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ tuyên bố chính thức rút khỏi UNESCO vào cuối năm sau

(Dân trí) - Bộ Ngoại giao Mỹ hôm nay 12/10 cho biết Washington sẽ chính thức rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) từ ngày 31/12/2018.

Trụ sở UNESCO tại Pháp (Ảnh: NY Times)
Trụ sở UNESCO tại Pháp (Ảnh: NY Times)

Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm nay thông báo nước này sẽ chính thức rút khỏi UNESCO từ ngày 31/12/2018 và sẽ chỉ duy trì vai trò của một quan sát viên.

“Quyết định này không thể xem nhẹ, trong đó phản ánh mối quan ngại của Mỹ về các vấn đề tồn đọng ngày càng tăng tại UNESCO, cũng như sự cần thiết của việc cải tổ về cơ bản khâu tổ chức và tâm lý thiên vị chống Israel tại UNESCO”, thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Theo thông báo, sau khi rút tư cách thành viên khỏi UNESCO, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục theo dõi các hoạt động của tổ chức này với tư cách là quốc gia “quan sát viên” nhằm đóng góp “quan điểm, tầm nhìn và chuyên môn” của Mỹ cho tổ chức.

Trước đây, Mỹ đã từng rút khỏi UNESCO vào năm 1984 dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan vì cho rằng UNESCO đã thiên vị khi ủng hộ Liên Xô. Sau đó, cựu Tổng thống George W Bush đã đưa Mỹ quay trở lại UNESCO năm 2002.

Năm 2011, Mỹ đã dừng viện trợ tiền cho UNESCO sau khi tổ chức này tiếp nhận Palestine làm thành viên. Vào thời điểm đó, số tiền đóng góp của Mỹ chiếm tới 22% ngân sách của UNESCO.

Phản ứng sau thông báo của Mỹ, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova cho biết đây là sự tổn thất lớn đối với “gia đình Liên Hợp Quốc” cũng như “chủ nghĩa đa phương”.

“Vào thời điểm các cuộc xung đột tiếp tục chia rẽ các cộng đồng trên toàn thế giới, điều vô cùng đáng tiếc là Mỹ sẽ rút khỏi cơ quan thúc đẩy giáo dục hòa bình và bảo vệ các nền văn hóa của Liên Hợp Quốc”, bà Bokova cho biết.

Việc Mỹ, quốc gia đóng góp 20% ngân sách của UNESCO, tuyên bố rút lui được cho là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của tổ chức được thành lập từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Động thái này một lần nữa cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như đang xem xét lại vai trò của Mỹ trong một loạt tổ chức đa phương.

Tổng thống Trump từ lâu đã đề cao chính sách “Nước Mỹ là trên hết”, trong đó đặt các lợi ích kinh tế và lợi ích quốc gia của Mỹ cao hơn các cam kết quốc tế. Kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, Mỹ đã rút khỏi các cuộc đàm phán thương mại của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), không tham gia thỏa thuận khí hậu Paris, đàm phán lại thỏa thuận thương mại với Canada và Mexico (NAFTA).

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm