Mỹ từng lên kế hoạch ám sát bằng chất phóng xạ
(Dân trí) - Theo các tài liệu vừa được công bố về một trong những bí mật thời Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ từng lên kế hoạch sử dụng chất phóng xạ để ám sát các nhân vật quan trọng.
Được phê chuẩn năm 1948, kế hoạch là một phần của chương trình chiến tranh phóng xạ, sử dụng các nguyên liệu phóng xạ từ quá trình sản xuất bom nguyên tử để huỷ hoại phần đất của kẻ thù hoặc tấn công các căn cứ quân sự.
Không một cá nhân nào được đề cập liên quan tới vũ khí ám sát trong các tài liệu của chính phủ, được tiết lộ theo Đạo luật Tự do thông tin.
Những tài liệu trên chỉ được tiết lộ gần đây nhưng đã được chính phủ Mỹ kiểm duyệt để loại bỏ những thông tin về các chất chiến tranh phóng xạ. Họ cũng không tiết lộ liệu vũ khí phóng xạ được dùng để tấn công các nhân vật cấp cao đã từng được Mỹ sử dụng hay chưa.
Các sử gia quân sự, những người nghiên cứu về chương trình chiến tranh phóng xạ qui mô lớn hơn, cho biết trước đó họ chưa từng nghe về việc theo đuổi một loại vũ khí ám sát. Việc lên kế hoạch ám sát các nhân vật của công chúng trong những trường hợp như vậy cũng chưa ai nhắc tới, chỉ trừ có một trường hợp ngoại lệ vào năm ngoái. Hồi tháng 11/2006, Alexander Litvinenko, một nhân vật thường chỉ trích điện Kremlin, đã bị đầu độc bằng một lượng nhỏ chất phóng xạ polonium-210. Litvinenko qua đời 3 tuần sau khi bị đầu độc.
Những tài liệu trên, đề ngày 16/12/1948 và được đóng dấu mật, đã liệt kê những yêu tiên hàng đầu sau đây:
1 - Các vũ khí làm nhiễm bẩn những khu vực đông dân cư hoặc khu vực quan trọng khác trong thời gian dài.
2 - Vũ khí kết hợp những chất nổ mạnh với nguyên liệu phóng xạ nhằm gây thiệt hại về chất cũng như làm ô nhiễm phóng xạ.
3 - Vũ khí trên không hoặc trên mặt đất phải làm lan toả sự ô nhiễm tới một khu vực khiến kẻ thù phải sơ tán.
Chính phủ Mỹ không được cấm rõ ràng việc ám sát các nhân vật nước ngoài cho tới khi Tổng thống Gerald Ford chính thức ban hành lệnh cấm này vào năm 1976. Lệnh được đwa ra sau khi có tin CIA âm mưu ám sát Chủ tịch Cuba Fidel Castro vào những năm 1960, trong đó có việc sử dụng phương pháp đầu độc.
VTH
Theo AP