1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ từng đào tạo chuyên gia hạt nhân cho Iran

(Dân trí) - Tờ The Boston Globe tiết lộ, trong thập niên 70, Washington đã ký thoả thuận hợp tác chiến lược với vua Iran, cho phép nhiều sinh viên Iran được đào tạo về công nghệ hạt nhân tại trường đại học danh tiếng MIT. Rất nhiều trong số họ sau này đã quay về phục vụ cho chương trình hạt nhân của Iran.

Những thanh niên Iran tới Cambridge trong suốt mùa hè năm 1975, trong khuôn khổ một sự cộng tác lịch sử giữa chính phủ nước họ và Học viện công nghệ Massachusetts (MIT), nhằm đào tạo ra thế hệ những chuyên gia  đầu tiên trong lĩnh vực nguyên tử của Iran. Ban đầu, chương trình này là biểu tượng cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc, nhưng sau này đây lại trở thành kiểu hợp tác mang lại hậu quả khôn lường.

 

4 năm sau khi chương trình hợp tác khởi động, Iran có những thay đổi lớn về chính trị. Những sinh viên mong muốn xây dựng mạng lưới lò phản ứng hạt nhân cho đất nước lúc này đứng giữa 2 lựa chọn: quê hương và nước Mỹ. Họ không biết rằng lựa chọn của họ đã làm thay đổi dòng chảy lịch sử. Có ít nhất 3 trong số họ đã công hiến tài năng cho chương trình hạt nhân mà giờ đây nước Mỹ đang cố gắng loại bỏ.

 

Gương mặt đáng chú ý là Mansour Haj Azim, người được bạn bè miêu tả là khá kín đáo và chăm chỉ, sau này trở thành người đứng đầu chương trình hạt nhân Iran. Theo một báo cáo mới đây, ông này có thể là người chịu trách nhiệm xây dựng một trung tâm nguyên tử phục vụ mục đích quân sự.

 

Tuy nhiên, gần 2/3 lưu học sinh Iran đã ở lại Mỹ làm việc, một số làm việc tại Uỷ ban quy chế nguyên tử Mỹ hoặc tại các nhà máy quốc phòng, một người tử nạn trong một vụ tai nạn xe hơi và một người khác có thể đã bị xét xử tại Iran vì các hoạt động chính trị.

 

Hành trình của những chuyên gia giúp thế giới hiểu thêm về tham vọng hạt nhân của Iran cũng như cuộc đối đầu hiện nay giữa Washington và Tehran. Những thanh niên trẻ đặt chân đến Massachusetts giữa thời điểm thế giới lạc quan trước viễn cảnh năng lượng nguyên tử, nay đã là những người đàn ông chín chắn trong bối cảnh quốc tế đang lo ngại về sự phổ biến vũ khí hạt nhân.

 

Ông Mohammed Moghimi, một trong số các sinh viên Iran của chương trình hợp tác này hiện sống tại Newton, tiểu bang Massachusetts cho biết: "Đó là một chương trình đào tạo tuyệt với. Nếu lịch sử tiến triển theo cách khác, rất có thể chúng tôi có 5-6 lò phản ứng hạt nhân dân sự được đưa vào vận hành tại Iran, thậm chí hơn thế".

 

Giờ đây, ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice không tin vào sự hữu ích của các lò phản ứng khi biết rõ rằng Iran là một trong những kho dự trữ dầu mỏ quan trọng nhất của thế giới. Vậy mà vào năm 1974, các nhà lãnh đạo Mỹ lại đưa ra lý lẽ ngược lại - khuyến khích Iran đầu tư lợi nhuận thu về từ dầu lửa vào ngành công nghệ năng lượng đắt đỏ của Mỹ.

 

Tháng 3/1974, vua Iran tuyên bố ý định xây dựng hơn 20 lò phản ứng, bắt đầu từ 2 lò tại cơ sở Bushehr, nhằm giải quyết nhu cầu năng lượng quốc gia đồng thời cho phép nước này xuất khẩu nhiều dầu lửa hơn. Nhưng tháng 2/1979, vua Iran bị lật đổ trong cuộc cách mạng Hồi giáo và phải sống lưu vong. Các lưu học sinh Iran nhận thức rằng cuộc sống sẽ không còn như trước và một lựa chọn sáng suốt cho tương lai là rất cần thiết.

 

Ông Moghimi nhớ lại: "Một số sinh viên ủng hộ chính quyền mới và hài lòng với thực tại. Một số khác bảo vệ vua nên nổi giận". Nhưng rất nhiều sinh viên sau khi trở về Iran lại quyết định quay lại Mỹ. Riêng Mansour Haj Azim và Mohammad Zaker quyết định ở lại quê hương và trước mặt cả hai là một tương lai đầy hứa hẹn. Sau cuộc cách mạng, tất cả các sinh viên đang được đào tạo ở Mỹ nhận được thông báo họ không phải tiếp tục theo học tại Mỹ nữa. Tương lai hạt nhân của vua Iran quá thân phương Tây nên không phù hợp với nước Cộng hoà Hồi giáo. Hơn nữa, các nhà máy từng đồng ý xây dựng các lò phản ứng hạt nhân rút lại đề nghị hợp tác và chính quyền Mỹ dùng áp lực ngoại giao để phong toả các vụ bán công nghệ hạt nhân cho Iran.

 

Đến đầu những năm 1980, trước khi cuộc chiến 8 năm với Iraq nổ ra, Iran bắt đầu xây dựng chương trình hạt nhân và Mansour Haj Azim và Mohammad Zaker có đất dụng võ. Ông Zaker được giao lãnh đạo lò phản ứng phục vụ nghiên cứu ở Teheran còn Azim trở thành thứ trưởng phụ trách Cơ quan năng lượng hạt nhân Iran. Sau đó, hai người có những cuộc tiếp xúc với các cựu du học sinh Iran để thuyết phục họ về nước. Đến nay, người ta không biết rõ liệu có bao nhiêu người đã chấp nhận lời mời này.

 

Ngọc Nhàn

Theo Boston Globe