1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ - Từ siêu cường hiếu chiến tới quyền lực mềm

(Dân trí) - Chính sách đối ngoại hiếu chiến của chính quyền Bush, vốn coi thuật ngoại giao là lãng phí thời gian và tấn công quân sự là quyền cơ bản của Mỹ, đã cho thấy không hiệu quả. Giờ đây, Mỹ đang noi gương chiến lược “quyền lực mềm” của Trung Quốc.

Chính sách ngoại giao của Mỹ đang thay đổi. Sau khi theo dõi các nhà bảo thủ mới tiến hành cuộc chiến tại Iraq, cả hai ứng cử viên tổng thống John McCain và Barack Obama đều muốn quay trở lại sử dụng thuật ngoại giao. Thậm chí, giọng điệu hiếu chiến của ông Bush giờ đây cũng hạ bớt.

 

Thương hiệu chính sách ngoại giao của Mỹ dưới thời Tổng thống George Bush giống như thương hiệu của một khẩu súng lục. Nhưng khi cuộc bầu cử tổng thống đang sắp đến gần, các thành viên của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều muốn né tránh tính hiếu chiến của Nhà Trắng, rằng thời đại đó đang đi tới hồi kết. Trên thực tế, chính Tổng thống Bush cũng tham gia khởi đầu một thời đại mới, mặc dù không tuyên bố công khai.

 

Gần đây, Tổng thống Bush được hỏi rằng liệu ông có thực sự muốn đánh bom Iran trong những tháng còn lại của nhiệm kỳ tổng thống. Ông chủ Nhà Trắng, người vốn lo ngại khả năng Iran đang phát triển vũ khí hạt nhân khiến ông phải lên tiếng cảnh báo về một cuộc Chiến tranh Thế giới III, đã trả lời rõ ràng: “Bạn không thể ném bom tri thức”.

 

Vài tháng trước cuộc chuyển giao quyền lực tại Mỹ, một sự thay đổi chính trị cũng đang diễn ra. Chưa rõ phạm vi và qui mô của nó nhưng những hạt mầm của một chính sách ngoại giao mới rõ ràng đa được gieo hạt. Chiến lược bảo thủ mới, vốn coi thuật ngoại giao là một sự lãng phí thời gian và coi việc tấn công quân sự là quyền cơ bản của Mỹ, đã chứng minh sự không hiệu quả.

 

Thực tế đã dạy cho nước Mỹ một bài học cay đắng. Vài năm sau khi phát động, các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan vẫn đang hoành hành. Tổng thống Bush đã trở thành một công cụ tuyển quân hiệu quả cho các nhóm Hồi giáo cực đoan. Và tại Trung Đông, nơi Syria vẫn còn mạnh và một Iran thịnh vượng về kinh tế đang tự coi mình là cường quốc ưu việt trong khu vực, chiến tranh đang gần hơn hòa bình.

 

Mỹ đang trở thành một quốc gia đơn độc, thậm chí tại phương Tây. Khi Tony Blair mãn nhiệm chức Thủ tướng Anh, Mỹ đã mất đồng minh trung thành cuối cùng ở châu Âu. Tại châu Á, nơi chiếm hơn 1 nửa dân số thế giới, Mỹ đặt nhiều căn cứ quân sự nhưng không có người bạn thực sự nào. Thêm nữa, đồng đôla yếu đã khiến các quốc gia nhiều dầu mỏ như Nga và Iran thêm mạnh hơn.

 

Quyền lực mềm và bài học từ Trung Quốc

 

Mục tiêu của chính trị quyền lực mềm, hiện đang được Washington chú ý, là để giảm tới mức tối thiểu sự khác biệt, phát triển các giá trị chung và hợp tác với các nước khác nhiều nhất tới mức có thể.

 

Theo ông Joseph Nye Jr., cựu chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, chính trị quyền lực mềm mang một bên thứ ba, ngoài sức mạnh kinh tế và quân sự, vào cuộc chơi, đó là tài sản văn hóa của quốc gia. Theo ông Joseph Nye Jr, quyền lực mềm là “khả năng đoạt lấy thứ mình muốn thông qua sự hấp dẫn thay vì ép buộc. Nó xuất phát từ sự hấp dẫn về văn hoá, tư tưởng chính trị và các chính sách của một quốc gia”. (*)

 

Sự đi lên của Trung Quốc đã tạo ra một sức lôi cuốn mới cho định nghĩa quyền lực mềm. Ngoài tiềm lực kinh tế mạnh, Trung Quốc cũng thúc đẩy một chính sách ngoại giao khác thường. Sự tiếp cận kiên nhẫn, hòa bình, không phân biệt của Trung Quốc đã cho thấy những thành công tuyệt vời trong những năm gần đây.

 

Bắc Kinh có ý thức hợp tác với cả các quốc gia, cả dân chủ lẫn độc tài, ở các cấp độ khác nhau và không đưa ra cáo buộc chống lại ai. Trung Quốc hợp tác về mặt kinh tế với Mỹ, quân sự với Iran và Nga. Mối quan hệ của nước này với tất cả các cường quốc trên thế giới hầu như không có căng thẳng.

 

Đảng Cộng sản Trung Quốc gọi học thuyết chính sách ngoại giao của nước này là “con đường hòa bình”, có nghĩa là chính sách ngoại giao phải đứng ở sân sau so với phát triển kinh tế. Tránh xung đột được coi là ưu tiên lớn nhất của Trung Quốc. Kết quả là, Trung Quốc vừa kiếm được tiền trong lĩnh vực xuất khẩu vừa cải thiện quan hệ ngoại giao. Các nhà độc tài tại Sudan và những nơi khác cũng nằm trong số những người được hưởng lợi.

 

“Với chiến lược mềm dẻo này, Trung Quốc sẽ thay đổi thế giới”, Joshua Kurlantzick, một chuyên gia về Trung Quốc, nhận định trong cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề “Charm Offensive”.

 

Cất súng vào túi đi thôi!

 

Barack Obama có thể gọi John McCain là “John McBush” để bêu xấu đối thủ là người kế nhiệm chính sách ngoại giao của tổng thống đương nhiệm. Và McCain có thể cáo buộc Obama là ngờ ngệch vì muốn đàm phán vô điều kiện với Iran, Cuba, CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, sự giống nhau đang bắt đầu nổi lên từ màn sương của cuộc vận động tranh cử.

 

Cả hai ứng cử viên McCain và Obama đều ủng hộ hợp tác quốc tế. Cả McCain và Obama đều coi việc sử dụng vũ lực là công cụ cuối cùng, chứ không phải đầu tiên, của chính sách ngoại giao. Obama tự coi ông là người đề xuất một chính sách ngoại giao mới nhằm nhấn mạnh vai trò tiêu biểu của nước Mỹ. Thượng nghị sĩ Illinois thiên về “củ cà rốt” thay vì “cây gậy”.

 

Và John McCain cũng không phải là nhà bảo thủ mới.

 

Không giống như Bush, McCain phản đối sự tra tấn tại các nhà tù của CIA và muốn đóng cửa nhà tù của Mỹ ở vịnh Guantanamo. Thượng nghị sĩ Arizona cũng ủng hộ các cuộc đàm phán với Hamas sau chiến thắng của khối này trong cuộc tuyển cử hồi năm 2006 tại dải Gaza. Lần đầu tiên, ông McCain còn ám chỉ rằng ông ủng hộ việc rút quân đội Mỹ khỏi Iraq vào năm 2013.

 

Đối với vấn đề Iran, ông McCain không chỉ ủng hộ các cuộc đàm phán của các chính phủ châu Âu với Tehran mà còn ủng hộ việc thiết lập liên lạc giữa chính phủ Mỹ và Iran, mặc dù không ở cấp độ tổng thống.

 

Nếu có một dấu hiệu khích lệ từ Washington trong những ngày không bình lặng của chiến dịch tranh cử thì đó là: hệ tư tưởng đã thay đổi. Giờ đây, nước Mỹ muốn hợp tác với phần còn lại của thế giới thay vì áp đặt ý muốn lên các nước khác.

 

Thậm chí, Tổng thống Bush giờ đây không phải là ông như người ta thường thấy bấy lâu nay. Các cuộc đàm phán ở cấp độ thấp đang diễn ra với chính quyền Bush tại Tehran. Khẩu súng ngắn đã được cất đi.

 

(*) Trích bài viết đăng trên Tuần Việt Nam

 

VTH

Theo Spiegel