Mỹ - Trung: Sau tán dương là cứng rắn
Ba yếu tố con người, chính sách và chính trị có thể thúc đẩy Mỹ có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc
Chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Bắc Kinh là màn thể hiện sự ca tụng lẫn nhau. Trung Quốc trải thảm đỏ và dành cho nhà lãnh đạo Mỹ sự tiếp đón trọng thị chưa từng có. Ông Trump đáp lễ bằng những lời tán dương Chủ tịch Tập Cận Bình và lòng ngưỡng mộ dành cho Trung Quốc.
Tâm trạng của ông chủ Nhà Trắng tương phản mạnh mẽ với giọng điệu cứng rắn trong chiến dịch tranh cử, như "không thể tiếp tục cho phép Trung Quốc cưỡng bức đất nước chúng ta". Điều này khiến một loạt phân tích trên báo chí phương Tây cho rằng ông Trump đã thay đổi để hướng đến một cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Bắc Kinh. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng củng cố thông điệp này, cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh là bước đi tích cực cho mối quan hệ Mỹ - Trung.
Dù vậy, không nên dựa quá nhiều vào những gì ông Trump nói để đưa ra đánh giá. Ba yếu tố trong nước có thể thúc đẩy Mỹ có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc trong những năm tháng sắp tới.
Trước hết là yếu tố con người. Dù chậm nhưng ông Trump đang dần hoàn thiện đội ngũ phụ trách chính sách châu Á tại Hội đồng An ninh quốc gia, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Không phải ngẫu nhiên khi giữa những người được bổ nhiệm này có chung tiếng nói về nhu cầu phát triển một chiến lược cạnh tranh mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc.
Thứ hai là yếu tố chính sách. Chính quyền ông Trump rốt cuộc cũng đã bắt đầu quá trình hoạch định chính sách an ninh quốc gia. Với 2 văn kiện chiến lược chính thức và quan trọng - Chiến lược Quốc phòng và Chiến lược An ninh quốc gia - dự kiến được tung ra trong những tháng tới, Trung Quốc nhiều khả năng được mô tả như một đối thủ chiến lược hàng đầu.
Ngoài ra, một khi chính quyền ông Trump tập trung nhiều hơn vào những vấn đề khác ở khu vực bên cạnh điểm nóng Triều Tiên (với Đài Loan và tình hình biển Đông là những cái tên hàng đầu), khả năng xảy ra xích mích với Trung Quốc càng tăng.
Yếu tố thứ ba, cũng là quan trọng nhất, thúc đẩy Mỹ hướng tới một lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc là chính trị. Các thành viên Đảng Dân chủ và thậm chí một số nhân vật Đảng Cộng hòa đã tác động để ông Trump có lập trường ôn hòa hơn với Iran.
Tuy nhiên, với Trung Quốc, mọi chuyện sẽ diễn ra ngược lại. Chỉ trích được nói đến nhiều nhất ở Washington là ông Trump chưa mạnh mẽ với Bắc Kinh. Ông Chuck Schumer, thủ lĩnh phe thiểu số của Đảng Dân chủ tại thượng viện, gọi ông Trump chỉ là "con hổ giấy" trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Ông John Cornyn, nhân vật thứ hai của Đảng Cộng hòa tại thượng viện, gần đây đưa ra dự luật tăng cường giám sát đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ. Ông lập luận rằng đã đến lúc thức tỉnh trước mối đe dọa đang tăng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Mỹ. Cần nhắc lại rằng phe theo chủ nghĩa dân túy, dân tộc trong Đảng Cộng hòa là những người đầu tiên nêu ra vấn đề này vào năm 2016 khi cáo buộc Trung Quốc là thủ phạm khiến người Mỹ mất việc làm tại các nhà máy.
Trước thềm các cuộc bầu cử năm 2018 và 2020, ông Trump sẽ cảm thấy áp lực từ mọi phía phải thực hiện những lời hứa trong chiến dịch tranh cử, theo đó buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm đối với những tập quán thương mại không công bằng. Vấn đề là liệu Mỹ có đủ khả năng gây sức ép lên Bắc Kinh nếu muốn?
Thực tế ở châu Á là một bức tranh phức tạp hơn rất nhiều. Bất chấp những lo ngại về chính sách của ông Trump, điều quan trọng nhất xảy ra khi nhà lãnh đạo Mỹ ở châu Á là nỗ lực kháng cự sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Về thương mại và đầu tư, 11 quốc gia còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã thành công trong việc thúc đẩy hiệp định này dù không có Mỹ. Sự vắng mặt của Washington là đáng chú ý nhưng quan trọng hơn là khu vực đang chia sẻ mong muốn tránh một trật tự kinh tế do Trung Quốc đi đầu.
Tương tự, lần đầu tiên trong một thập kỷ, các quan chức cấp cao từ Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ gặp nhau để đẩy mạnh tăng cường sự hợp tác giữa các nền dân chủ hàng đầu khu vực. Đây được xem là nỗ lực tạo ra các lựa chọn thay thế cho một tương lai xoay quanh Trung Quốc.
Cuối cùng, cần nhớ rằng những nền tảng của quyền lực Mỹ vẫn còn mạnh mẽ. Mỹ vẫn có nền kinh tế lớn và tiên tiến nhất thế giới, với các trường đại học tốt nhất, quân đội có năng lực nhất, nhân khẩu học mạnh mẽ và một xã hội dân sự sôi nổi. Trung Quốc chắc chắn là một thế lực không thể bỏ qua nhưng ông Trump vẫn có những thứ mình cần để cứng rắn trong các vấn đề như thương mại, Đài Loan và biển Đông nếu muốn.
Việc dự đoán chính sách đối ngoại của Mỹ thời ông Trump ẩn chứa không ít rủi ro. Tuy nhiên, tất cả dấu hiệu đang hướng tới một lập trường cứng rắn hơn của Mỹ với Trung Quốc, ngay cả khi ông Trump được đón tiếp trọng thị ở Bắc Kinh hoặc có "mối quan hệ rất tốt" với ông Tập.
Theo Phương Võ
Người lao động