1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ, Trung Quốc chỉ trích nhau tại Đối thoại Shangri-La

Minh Phương

(Dân trí) - Phái đoàn Mỹ và Trung Quốc chỉ trích lẫn nhau tại Đối thoại Shangri-La khi đề cập đến mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước và các vấn đề khu vực.

Mỹ, Trung Quốc chỉ trích nhau tại Đối thoại Shangri-La - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Đối thoại Shangri-La 2023 (Ảnh: AP).

Mỹ - Trung chỉ trích nhau

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore sáng 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đề cập đến các vấn đề an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nói về căng thẳng Mỹ - Trung do vấn đề Đài Loan, Bộ trưởng Austin cho rằng một cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan sẽ gây hậu quả thảm khốc. "Do vậy, chúng tôi quyết tâm duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan. Ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới cũng vậy".

Ông Austin cho biết, ông vẫn chưa có bất cứ cuộc đàm phán nào với người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc mặc dù hai người đều dự Đối thoại Shangri-La và phía Mỹ nhiều lần đề nghị tổ chức hội đàm.

Bộ trưởng Austin nhấn mạnh, tình trạng quan hệ Mỹ - Trung hiện tại khiến ông quan ngại sâu sắc rằng Trung Quốc không sẵn sàng tham gia nghiêm túc hơn vào các cơ chế quản lý khủng hoảng giữa quân đội hai nước. "Tôi hy vọng điều đó sẽ sớm thay đổi. Càng đối thoại, chúng ta càng có thể tránh hiểu nhầm và tính toán sai có thể dẫn đến khủng hoảng hay xung đột", ông nói.

Bình luận này của người đứng đầu Lầu Năm Góc đã vấp phải phản ứng của phái đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La. Sau phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi nói bên lề diễn đàn rằng, ông Austin đưa ra "những cáo buộc sai sự thật". Một thành viên khác của phái đoàn Trung Quốc tuyên bố, Mỹ không có quyền yêu cầu Trung Quốc làm gì.

Mỹ, Trung Quốc chỉ trích nhau tại Đối thoại Shangri-La - 2

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc và phái đoàn dự Đối thoại Shangri-La sáng 3/6 tại Singapore (Ảnh: Reuters).

Một quan chức quốc phòng khác của Trung Quốc chỉ trích những bình luận của phía Mỹ về Đài Loan là "phớt lờ, bóp méo sự thật".

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang đáng kể từ tháng 8 năm ngoái sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là bà Nancy Pelosi thăm Đài Loan bất chấp phản đối của Trung Quốc. Đầu năm nay, Không quân Mỹ tiếp tục bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc xâm phạm không phận.

Mỹ không chấp nhận hành vi "bắt nạt" của Trung Quốc

Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Austin cũng tuyên bố, Mỹ sẽ không chấp nhận bất cứ hành động "cưỡng ép và bắt nạt nào" của Trung Quốc nhằm vào các đồng minh, đối tác của Washington.

Ông khẳng định lại tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "tự do, rộng mở và an toàn dựa trên các luật lệ về quyền hạn", coi đây là cách tốt nhất để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực.

"Chúng tôi cam kết đảm bảo rằng mọi quốc gia đều có quyền tự do hàng không, hàng hải ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép. Mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ đều được thực hiện các hoạt động tự do hàng hải hợp pháp", ông nhấn mạnh.

Mỹ đã tăng cường các hoạt động quanh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc, trong đó có những chuyến tuần tra ở eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Ông cho biết thêm, Mỹ cũng cam kết ngăn chặn mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên, tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực.

"Rõ ràng, chúng tôi không tìm kiếm xung đột hay đối đầu, nhưng chúng tôi sẽ không nao núng khi đối mặt với các hành động bắt nạt hoặc cưỡng ép", người đứng đầu Lầu Năm Góc tuyên bố.

Mỹ không cố lập liên minh kiểu NATO ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Đề cập tới các vấn đề tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Bộ trưởng Austin khẳng định: "Chúng tôi không tìm cách lập liên minh kiểu NATO ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việc các nước châu Âu quan tâm đến việc đảm bảo mối quan hệ tốt với các nước trong khu vực là điều đúng đắn".

Tại cuộc họp sáng nay, các lãnh đạo quốc phòng cũng thảo luận về chủ đề hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Anh và Canada nhấn mạnh, sự hợp tác, bao gồm cả với các nước bên ngoài, có nghĩa quan trọng đối với hòa bình, ổn định ở khu vực này.

Trả lời câu hỏi của một đại diện Trung Quốc rằng liệu sự hiện diện của các nước bên ngoài châu Á gây rắc rối hơn là mang tính xây dựng hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand nói: "Canada sẽ tiếp tục đảm bảo rằng chúng ta đang làm việc trên các kênh liên lạc cởi mở và nhận ra sự cần thiết phải cùng tồn tại một cách có trách nhiệm".

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nhấn mạnh, nước này sẽ tiếp tục xoay trục sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông cũng cho rằng sự hiện diện của NATO ở châu Á không phải là không phù hợp khi xét đến mức độ hiện diện của Nga tại đây.

Theo Aljazeera, Reuters