Mỹ - Trung: Mối quan hệ phức tạp chi phối thế giới - P1
Đối lập nhau song cùng hỗ trợ nhau, Mỹ và Trung Quốc cùng xuất hiện trong một mối quan hệ ngày càng trở nên phức tạp.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh. (Ảnh: AP)
Trong tuần này, Mỹ đang trải thảm đỏ tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi nhà lãnh đạo Trung Quốc đang có chuyến thăm đầu tiên đến Mỹ.
Cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ là một khoảnh khắc tiêu chuẩn trong một mối quan hệ ngày càng trở nên phức tạp. Sau làn sóng tấn công mạng theo cáo buộc là do các hacker Trung Quốc thực hiện, Chính quyền Obama đã chuẩn bị sẵn sàng nhiều lệnh trừng phạt để trả đũa. Trung Quốc cũng đã thổi bùng cơn giận của các doanh nghiệp và chính khách Mỹ với việc phá giá đồng nội tệ và ưu tiên doanh nghiệp Trung Quốc trong thời gian qua.
Bất chấp những căng thẳng là vậy, Trung Quốc vẫn là một trong những quốc gia quan trọng nhất trong thế giới của người Mỹ. Trung Quốc là nước lớn và thay đổi nhanh đến mức hành động của quốc gia này gợn sóng vòng quanh thế giới, tác động đến cuộc sống của những người Mỹ bình thường, từ giá cả hàng hóa, loại hình sản phẩm làm ra hay thậm chí là cả chất lượng không khí người Mỹ hít thở.
Những câu hỏi và trả lời sau đây sẽ làm rõ mối quan hệ Mỹ - Trung trong bối cảnh hiện nay.
1. Tại sao lại là Trung Quốc?
Với Mỹ, dù còn nhiều tranh cãi song Trung Quốc là quốc gia quan trọng nhất trên thế giới. Một trong những lý do giải thích điều này đơn giản là vì Trung Quốc là một quốc gia thật sự rất lớn. 1/5 dân số thế giới sống ở Trung Quốc. Đây đồng thời là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, chiếm khoảng 10% kinh tế thế giới và khoảng ¼ tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ.
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc trong những năm gần đây của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở việc làm thay đổi cuộc sống của người dân nước này mà còn làm thay đổi cả cuộc sống của người dân trên khắp thế giới.
Một trong những cách thức chính Trung Quốc tạo ra tác động với các nước khác là thông qua thương mại. Nơi đây từ lâu được biết đến là công xưởng của thế giới và tạo ra một lượng lớn iPhone, quần áo, sản phẩm từ tôm và đồ trang trí giáng sinh của thế giới.
Dòng sản phẩm giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc một mặt hỗ trợ cuộc sống của một bộ phận người Mỹ, song mặt khác lại làm hại đến những bộ phận khác. Nhờ hàng hóa Trung Quốc, chất lượng sống của nhiều người Mỹ được nâng lên khi họ mua được nhiều loại hàng hóa vốn không thể mua trước đó. Trung Quốc cũng góp phần tạo ra việc làm cho người Mỹ trong các lĩnh vực giao thông, bán lẻ, xây dựng và tài chính.
Song cũng vì Trung Quốc mà số lượng việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ đã giảm. Số người Mỹ làm trong ngành sản xuất đã giảm từ hơn 13% trong cuối những năm 1980 xuống còn 8,4% năm 2009 trong bối cảnh thương mại với Trung Quốc tăng và các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ tăng mạnh.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là một khách hàng lớn tiêu thụ hàng hóa của Mỹ. Khoảng ¼ số đậu nành trồng ở Mỹ được xuất khẩu sang Trung Quốc. 1/5 số máy bay Boeing được sản xuất ra cũng đi đến Trung Quốc. Giờ đây Apple bán nhiều iPhone ở thị trường Trung Quốc hơn ở Mỹ. Trung Quốc còn là một khách hàng lớn của các dịch vụ của Mỹ, trong đó có giáo dục với 1/3 du học sinh ở Mỹ là người Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trong cuộc gặp với Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Boeing Dennis Muilenburg tại nhà máy chính của hãng ở Everett, bang Washington ngày 23/9.
Theo đánh giá của chuyên gia, bất kể là ngành kinh doanh nào ở Mỹ, Trung Quốc đều có thể gây ảnh hưởng. “Ngay cả khi không kinh doanh ở Trung Quốc, nhiều khả năng bạn vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh của Trung Quốc, hay tác động của Trung Quốc với kinh tế toàn cầu lại tác động đến khu vực kinh doanh của bạn”, Phó Giám đốc của chương trình nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Scott Kennedy cho biết.
Thông qua nhu cầu khổng lồ với các nguồn tài nguyên để cung cấp cho các nhà máy và xây dựng những con đường mới, những thành phố mới, Trung Quốc cũng đang góp phần định hình lại thế giới. Với việc tiêu thụ khoảng một nửa lượng nhôm, kẽm, niken, thép và bê tông được sử dụng mỗi năm trên toàn thế giới, Trung Quốc trở thành khách hàng lớn với các nước giàu tài nguyên như Australia và Brazil.
Nhu cầu với các nguồn nguyên liệu của Trung Quốc lớn đến mức trong 3 năm qua, lượng bê tông Trung Quốc sử dụng lớn hơn toàn bộ lượng bê tông nước Mỹ sử dụng trong toàn bộ thế kỉ 20.
Ngoài ra, cũng vì những lí do an ninh mà Trung Quốc đóng vai trò quan trọng với Mỹ. Trung Quốc giờ đây là cường quốc ở Đông Á, một khu vực có mối quan hệ gần gũi với Mỹ thông qua các đồng minh của nước này cũng như là địa điểm có các tuyến đường hàng hải quan trọng.
Mặc dù Trung Quốc và Mỹ có nhiều xung đột nghiêm trọng xung quanh những cuộc tấn công mạng nhằm vào chính phủ Mỹ và các bí mật kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ, cũng như những va chạm của Trung Quốc với các nước láng giềng về vấn đề chủ quyền ở Biển Hoa Đông và Biển Đông; song, Mỹ và Trung Quốc cũng cùng cộng tác trong những vấn đề biến đổi khí hậu, chống khủng bố, và Trung Quốc lại là nước đã ủng hộ những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu để kiềm chế các chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Iran.
(còn tiếp)
Theo Anh Tiếu/The Washington Post