Mỹ - Trung không xuống nước trong đàm phán thương mại căng thẳng
(Dân trí) - Mỹ và Trung Quốc đang lâm vào thế bế tắc vì các cuộc đàm phán thương mại, khi Washington đòi hỏi Bắc Kinh phải có cam kết cụ thể về các thay đổi luật, trong khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ không “nuốt bất kỳ quả đắng nào” có thể tổn hại tới lợi ích của nước này.
Cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã leo thang hôm 10/5, khi Mỹ tăng thuế lên 200 tỷ hàng hóa từ Trung Quốc, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Bắc Kinh phá vỡ thỏa thuận bằng việc từ bỏ các cam kết trước đó được đưa ra trong quá trình đàm phán giữa hai nước.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói với chương trình "Fox News Sunday" rằng Trung Quốc cần đồng ý về các điều khoản có tính thi hành rất mạnh cho một thỏa thuận cuối cùng và rằng điểm mấu chốt là Bắc Kinh miễn cưỡng đưa ra các thay đổi về luật vốn đã được thống nhất trước. Ông Kudlow cũng khẳng định các quyết định áp thuế của Mỹ sẽ vẫn có hiệu trong khi quá trình đàm phán tiếp diễn.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng tỏ ra cứng rắn trước các động thái từ phía Mỹ.
“Không bao giờ Trung Quốc mất đi sự tự tôn của mình, và cũng không ai có thể hy vọng Trung Quốc sẽ nuốt trái đắng làm tổn hại ích cốt lõi của mình”, một bài bình luận trên báo Nhật dân Nhật báo phát hành hôm nay, có đoạn viết.
Bài báo nói thêm rằng Trung Quốc để ngỏ các cuộc đàm phán nhưng sẽ không nhân nhượng về các vấn đề nguyên tắc quan trọng.
Phát biểu ngày 12/5, Tổng thống Trump nói rằng Mỹ đang ở vị trí thuận lợi. “Chúng ta đang ở vị thế chúng ta muốn với Trung Quốc”, ông viết trên Twitter, nói thêm rằng người tiêu dùng Mỹ mua hàng hóa của Trung Quốc có thể chuyển sang mua chúng từ các nhà sản xuất nội địa hoặc từ các quốc gia khác.
Ông Trump và ông Tập có thể gặp nhau tại G20
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng cho biết thêm Larry Kudlow, có cả khả năng cao là Tổng thống Trump sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6.
Theo Reuters, cho tới tận tuần trước, vẫn có những kỳ vọng rằng ông Trump và ông Tập có thể ký kết một thỏa thuận thương mại tại thượng đỉnh. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã gặp trở lại lớn tuần trước khi Trung Quốc đề xuất sửa đổi phần lớn một thỏa thuận sơ bộ mà hai nước đã đạt được trong quá trình đàm phán kéo dài.
Bắc Kinh muốn bỏ các cam kết trước đó rằng luật pháp Trung Quốc thể được điều chỉnh để phù hợp với các chính sách mới đối với các vấn đề như bảo vệ sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Động thái này được cho là đã khiến ông Trump nổi giận, khiến ông ra lệnh áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu, đã tìm cách bảo vệ các thay đổi của Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán với giới chức cấp cao Mỹ tại Washington trong 2 ngày hồi tuần trước. Ông cho rằng Trung Quốc có thể thực hiện các thay đổi chính sách thông qua các nghị định do Hội đồng Nhà nước (nội các) ban hành.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã bác bỏ điều đó, nói với ông Lưu rằng Mỹ kiên quyết khôi phục thỏa thuận sơ bộ trước đó.
An Bình