Mỹ - Trung "chèo kéo" Philippines trong cuộc ganh đua ảnh hưởng
(Dân trí) - Mỹ và Trung Quốc đều tăng cường nỗ lực để giành được sự ủng hộ của Philippines khi hai cường quốc vẫn đang đối đầu nhau trên nhiều mặt trận.
Theo Manila Bulletin, Bộ Nông nghiệp Philippines ngày 18/9 thông báo một phòng thí nghiệm về dịch bệnh động vật do Mỹ tài trợ đã được mở tại Trung Luzon.
Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim cho biết ông đã trao tặng 5.000 bộ dụng cụ vệ sinh và 16 máy rửa tay cho Thị trưởng Manila để hỗ trợ nỗ lực chống dịch Covid-19. Mỹ hồi tháng trước cũng cung cấp cho Philippines 100 máy thở mới.
Động thái hỗ trợ mới nhất của Mỹ với Philippines diễn ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tới quốc gia Đông Nam Á.
Trong các cuộc gặp của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc với người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, hai bên nhất trí sẽ làm mới biên bản ghi nhớ hồi năm 2004 về hợp tác quốc phòng, đồng thời tìm cách quản lý tốt hơn các tranh chấp trên Biển Đông.
Theo Reuters, Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa cam kết viện trợ 20 triệu USD thiết bị phi tác chiến cho các lực lượng vũ trang Philippines. Trước đó hồi tháng 5, Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng viện trợ cho Philippines số thiết bị bảo hộ cá nhân và vật tư y tế trị giá 292.000 USD. Năm ngoái, Bắc Kinh cũng tài trợ lực lượng vũ trang Philippines các thiết bị kỹ thuật trị giá 30,8 triệu USD.
Mỹ - Trung cạnh tranh ảnh hưởng
Theo giới quan sát, những động thái của Mỹ và Trung Quốc đã cho thấy tầm quan trọng của Philippines đối với hai cường quốc này trong bối cảnh cả Washington và Bắc Kinh đều đang cạnh tranh về quân sự.
Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức Rand Corporation, nói rằng Philippines có vai trò quan trọng với Mỹ, không chỉ bởi quốc gia Đông Nam Á là nơi đặt căn cứ hải quân nước ngoài lớn nhất của Mỹ, mà Manila còn là đồng minh duy nhất của Washington có liên quan trực tiếp tới tranh chấp trên Biển Đông.
Theo ông Grossman, mối quan hệ với Philippines sẽ tạo cho Mỹ một nơi triển khai sức mạnh ngay gần Biển Đông và điều này sẽ “vô cùng giá trị trong một cuộc xung đột trong tương lai”.
“Mỹ vẫn có thể kiểm soát mà không cần tiếp cận các căn cứ của Philippines, nhưng việc triển khai sức mạnh tới Biển Đông sẽ gặp khó khăn hơn và có lẽ sẽ chậm hơn”, chuyên gia Grossman nhận định.
Theo Kang Lin, nhà nghiên cứu tại Đại học Hải Nam ở phía nam Trung Quốc, một phần vì sự gần gũi giữa Manila và Washington nên Bắc Kinh cũng tích cực nuôi dưỡng mối quan hệ với Tổng thống Duterte - nhà lãnh đạo đôi khi có những phát ngôn chống Mỹ gay gắt.
Ông Kang cho rằng so với những người tiền nhiệm, Tổng thống Duterte, người lên nắm quyền hồi năm 2016, thân thiện với Trung Quốc hơn nhiều, và cũng cứng rắn với Mỹ hơn nhiều, trong các vấn đề về chính sách đối ngoại.
Theo SCMP, trong 4 năm qua, Trung Quốc và Philippines đã ký hàng tỷ USD thỏa thuận đầu tư và thiết lập cơ chế tham vấn để hạ nhiệt căng thẳng trong các vấn đề liên quan tới khu vực Biển Đông giàu tài nguyên.
“Khi các tranh chấp về quyền khai thác cá và dầu khí nổ ra giữa các bên tranh chấp trên Biển Đông, Philippines đóng vai trò then chốt trong việc giúp giảm bớt sức ép lên Trung Quốc. Điều này rất quan trọng với chiến lược Biển Đông của Bắc Kinh”, ông Kang nói.
Theo chuyên gia Grossman, Trung Quốc đã nhận thấy cơ hội để kéo Philippines vào quỹ đạo của mình và làm tất cả những gì có thể để chia tách Manila với đồng minh lâu năm là Mỹ.
“Điều này có thể khiến (Trung Quốc) làm suy yếu các thỏa thuận quân sự của Mỹ với Philippines, vốn được xây dựng không chỉ để giúp Manila trong các chiến dịch chống khủng bố mà còn đối phó với tham vọng và các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông”, ông Grossman cho biết thêm.
Tổng thống Philippines cho đến nay vẫn đưa ra các tuyên bố công kích Mỹ. Tuần trước, ông Duterte cho biết sẽ ưu tiên mua vắc xin Covid-19 của Nga và Trung Quốc, sau khi chỉ trích các hãng dược phương Tây vì yêu cầu đặt cọc tiền trước. Tổng thống Duterte hồi tháng 7 cũng nói rằng ông đã đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giúp Philippines được ưu tiên tiếp cận vắc xin Covid-19 do Trung Quốc sản xuất.
Mặc dù vậy, Richard Heydarian, cố vấn chính sách tại Manila, cho rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines về hợp tác an ninh vẫn rất “bền bỉ, thậm chí mạnh mẽ”.
Năm ngoái, Mỹ đã tiến hành tới 300 cuộc tập trận quân sự với Philippines, nhiều hơn bất kỳ đồng minh nào của Washington ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo năm ngoái nói rằng hiệp ước quốc phòng giữa Mỹ và Philippines bao trùm cả khu vực Biển Đông, trong khi Đại sứ Mỹ tại Philippines cho biết phạm vi của hiệp ước áp dụng đối với cả lực lượng dân quân biển và dân thường có vũ trang được Bắc Kinh triển khai để bắt nạt và hăm dọa các nước có tranh chấp trên Biển Đông.
Trong một động thái được xem là bước ngoặt quan trọng trong chính sách Biển Đông của Mỹ, Washington hồi tháng 7 tuyên bố bác bỏ phần lớn yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ cũng lên tiếng ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài thường trực ở La Hay, Hà Lan hồi năm 2016 trong vụ kiện do Philippines khởi xướng nhằm bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Chiến thắng của Manila (trong vụ kiện) khiến Washington dễ dàng tuyên bố rằng yêu sách đường chín đoạn của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý”, chuyên gia Grossman nhận định.
Mặc dù Tổng thống Duterte đã xoay trục sang Trung Quốc, song vẫn còn nhiều nghi vấn về việc mối quan hệ gần gũi này có thể được duy trì trong bao lâu, nhất là khi hầu hết những lời hứa đầu tư của Trung Quốc vào Philippines vẫn chưa được thực hiện.
“Một mặt, ông Duterte muốn giảm sự phụ thuộc quá mức vào Mỹ. Mặt khác, các quan chức cấp cao và chính quyền (Philippines) cũng muốn đảm bảo rằng ông không xoay toàn bộ trục sang Trung Quốc và làm suy yếu mối quan hệ với Mỹ, đặc biệt trong tranh chấp Biển Đông”, chuyên gia Heydarian nhận định.
Trước khi Tổng thống Duterte mãn nhiệm vào năm 2022, chuyên gia Kang cho biết tất cả những gì cần thiết Trung Quốc có thể làm bây giờ là củng cố mối quan hệ với Philippines.
“Tổng thống tiếp theo, dù là ai đi chăng nữa, cũng không thể thân thiện với Trung Quốc như ông Duterte”, chuyên gia Heydaridan phỏng đoán.