1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ: Tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết bằng luật pháp quốc tế

(Dân trí) - Mỹ mong muốn các tranh chấp lãnh thổ được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế, một cách hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius. (Ảnh:

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius. (Ảnh: Nam Hằng)
 
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đã nhấn mạnh tới thông điệp trên trong khi trả lời phỏng vấn báo chí tại hội thảo "Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: 20 năm thành công hơn nữa", được tổ chức tại Hà Nội ngày 26/1 nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Bên lề hội thảo, Đại sứ Osius đã chia sẻ quan điểm về mối quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực quân sự. Ông Osius cho biết hai bên đang cùng nỗ lực nhằm xây dựng sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng nhằm tiến tới việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Năm ngoái, Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong một động thái lịch sử, mở đường cho việc bán vũ khí phòng vệ. Đại sứ Osius cho hay phía Mỹ tôn trọng lựa chọn về mặt chiến lược của Việt Nam và các vũ khí mà Việt Nam muốn mua.

Theo ông Osius, một trọng tâm trong quan hệ hợp tác quốc phòng-an ninh giữa Việt Nam và Mỹ là hợp tác hàng hải và cả hai nước đều nhấn mạnh tới ưu tiên này.

Ông Osius cho hay Mỹ đã có các bước đi nhằm giúp Việt Nam nâng cao năng lực về giám sát biển. Đây là một nỗ lực của 2 nước. “Chúng ta làm việc cùng nhau. Hai nước có tầm nhìn chung về hòa bình và sự phát triển trong khu vực”, ông nói.

Mỹ đã có các hoạt động nhằm trợ giúp cảnh sát biển Việt Nam. Theo Đại sứ Mỹ, mục đích của sự hợp tác của cảnh sát biển là thực hiện các hoạt động chung và đảm bảo tình hình tại khu vực châu Á hòa bình, ổn định, thịnh vượng, các nước trong khu vực tuân thủ luật pháp quốc tế và không có nước nào có hành động đe dọa các nước khác. Điều này sẽ giúp các nước đều được hưởng lợi từ các tuyến hàng hải tự do, cho phép hàng hóa và dịch vụ đi lại tự do giữa các nước.

Nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng Washington không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ nhưng Washington rất quan tâm tới việc các tranh chấp lãnh thổ được giải quyết thế nào và mong muốn các tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế, một cách hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực.

“Chính sách của chúng tôi là trợ giúp các đối tác và đồng minh để tăng cường năng lực để tự vệ. Chúng tôi cũng trợ giúp khu vực xây dựng cơ chế pháp lý để giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, thông qua các công cụ ngoại giao, trong đó có các quan hệ đối tác rất vững mạnh của Mỹ trong khu vực”, ông Osius nói.

Đại sứ Mỹ cho hay một trọng tâm của Mỹ là thúc đẩy ngoại giao là thông qua hiệp hội ASEAN. “Nước Mỹ là một người bạn của ASEAN và chúng tôi muốn giúp ASEAN trở nên vững mạnh. ASEAN nằm trong trọng tâm chính sách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ”, tân Đại sứ Mỹ nói.

Cựu Đại sứ Pete Peterson ủng hộ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí

Đại sứ đầu tiên tại Việt Nam Pete Peterson. (Ảnh:
Đại sứ đầu tiên tại Việt Nam Pete Peterson. (Ảnh: Dương Ngọc)
 
Trả lời phỏng vấn tại hội nghị, Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam Pete Peterson cho hay ông hoàn toàn ủng hộ việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Ông Peterson đã đồng ý việc dỡ bỏ lệnh cấm từ nhiều năm trước đây. Khi còn là Đại sứ tại Việt Nam, ông Peterson từng đề xuất chính phủ Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

“Khi đó chưa phải lúc thích hợp và thủ tục chính trị chưa có. Giờ đây, tôi thấy vui mừng khi một phần lệnh cấm đã được dỡ bỏ và tôi nghĩ chúng ta sẽ sớm nhìn thấy việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương với Việt Nam trong vài năm tới”, ông Peterson nói.

Về các tranh chấp hàng hải trong khu vực, ông Peterson cho hay Mỹ đã thể hiện rõ quan điểm rằng Washington tôn trọng Luật Biển và mong muốn các tranh chấp được giải quyết qua con đường ngoại giao và hòa bình.

Ông Murray Hiebert, Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) tại Washington, D.C cũng chia sẻ đánh giá cá nhân về quan hệ an ninh và quốc phòng của Việt Nam và Mỹ.

Ông Hiebert cho hay đã có sự tiến triển đáng chú ý trong quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ thời gian qua, dù tiến trình này còn chậm. Chuyên gia của CSIS đã dẫn chứng việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vài tháng trước là một bằng chứng về sự tiến triển.

Theo chuyên gia của CSIS, thời điểm này Mỹ mong muốn phát triển quan hệ giữa hải quân hai nước, cũng như trong các lĩnh vực khác. “Có nhiều thứ mà hai bên có thể hợp tác, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông như tăng cường nhận thức trong lĩnh vực hàng hải để người Việt Nam hiểu rõ hơn về những gì đang diễn ra trên Biển Đông”, ông nói.
 
Tại cuộc hội thảo, các đại biểu cũng tỏ ra lạc quan rằng quan hệ hợp tác an ninh-chính trị giữa hai nước trong 20 năm tới sẽ càng phát triển nhanh và hiệu quả hơn nữa. Việt Nam và Mỹ đều nhận thức rằng hợp tác sâu sắc giữa chính phủ hai nước sẽ đem lại lợi ích cho cả hai dân tộc, đồng thời góp phần đảm bảo hoà bình, an ninh cho khu vực và thế giới.
 
Thời gian tới, hai nước cần tiếp tục khai thác tiềm năng hợp tác chính trị-an ninh song phương và phát huy hợp tác trong việc thúc đẩy các cơ chế đa phương phục vụ duy trì hoà bình, ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Việt Nam và Mỹ sẽ cùng tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong xây dựng một kiến trúc an ninh khu vực công bằng, bình đẳng dựa trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết hoà bình các mâu thuẫn trong khu vực.
 
 
An Bình