Mỹ tố 2 công ty viễn thông Trung Quốc đe dọa an ninh quốc gia
(Dân trí) - Hai công ty viễn thông Trung Quốc là Vi Hoa và Trung Hưng thông tấn ZTE đã bị quốc hội Mỹ đề nghị cấm cửa vì đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Hai quan chức của công ty Hoa Vi và ZTE trong cuộc điều trần trước Ủy ban Hạ viện Mỹ hồi tháng 9 vừa qua.
Đây là yêu cầu của Ủy ban tình báo hạ viện Mỹ đưa ra vào chiều ngày chủ nhật 7/10, sau hơn một năm điều tra. Ủy ban này nhận định hai tập đoàn viễn thông trên không độc lập với chính phủ Bắc Kinh và do vậy có khả năng được sử dụng để đánh cắp công nghệ học và đe dọa an ninh Hoa Kỳ.
Ủy ban tình báo hạ viện Mỹ đã mở một cuộc điều tra về hai tập đoàn viễn thông Hoa Vi và Trung Hưng thông tấn ZTE sau khi nghi ngờ hai công ty này núp dưới vỏ bọc doanh nghiệp để làm gián điệp kinh tế, quân sự và tin tặc theo lệnh của chính quyền Bắc Kinh.
Hai công ty Trung Quốc đã hoạt động tại Hoa Kỳ từ năm 2008 trong lĩnh vực điện thoại nhưng bị cấm bán trang thiết bị viễn thông. Trong các cuộc điều trần tại Hạ viện hồi tháng 9, phát ngôn viên của tập đoàn viễn thông số hai thế giới Hoa Vi và đối thủ Trung Hưng ZTE đều khẳng định họ “làm thương mại chứ không làm chính trị”. Tuy nhiên cả hai đều không trả lời được câu hỏi của Ủy ban điều tra: Nếu độc lập với chính phủ tại sao trong ban lãnh đạo công ty lại có chi bộ đảng?
Vào ngày hôm nay ZTE đã ra tuyên bố khẳng định các thiết bị của công ty này đáp ứng mọi tiêu chuẩn của Mỹ và không gây ra bất kỳ đe dọa nào. Trong khi đó phó chủ tịch công ty Hoa Vi, William Buckley, trước đó cũng phủ nhận cáo buộc là “phép gây sao nhãng chính trị nguy hiểm”.
Báo cáo của Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ cho biết “Trung Quốc có phương tiện, cơ hội và động cơ dùng các công ty viễn thông cho các mục đích xấu”.
“Dựa vào các thông tin mật và đã được giải mật, Hoa Vi và ZTE không thể tin tưởng là không có sự ảnh hưởng của chính phủ nước ngoài và vì vậy tạo ra mối đe dọa về an ninh cho nước Mỹ và cho hệ thống của chúng ta”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ “gạt bỏ định kiến” đối với hai công ty. “Các công ty viễn thông Trung Quốc đã và đang phát triển kinh doanh quốc tế dựa theo quy luật kinh tế thị trường”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho hay.
Lo ngại gián điệp
Hoa Vi do Ren Zhengfei, một cựu thành viên quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa, thành lập vào năm 1987. Công ty đã phát triển trở thành một trong những công ty viễn thông lớn nhất thế giới. Chính vì vậy, Mỹ lo ngại công ty này có thể có mối quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Ngoài ra cũng có lo ngại và cáo buộc cho rằng công ty này đang giúp Trung Quốc thu thập thông tin về chính phủ, công ty nước ngoài.
Năm ngoái, kế hoạch mua công ty máy tính của Mỹ 3Leaf systems của Hoa Vi đã bị ủy ban an ninh Mỹ từ chối.
Đầu năm nay, Hoa Vi cùng với ZTE, bị cáo buộc một số thiết bị của họ đã được lắp đặt mã có thể gửi các thông tin nhạy cảm trở về Trung Quốc.
ZTE cũng bị cáo buộc đã bán thiết bị viễn thông của Mỹ sang Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Tập đoàn viễn thông Cisco hôm nay đã chấm dứt quan hệ với ZTE sau khi thiết bị của cơ quan này có trong hợp đồng với Tehran.
Gây sao nhãng chính trị?
Thông tin về vụ việc được đưa ra khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang ở giai đoạn nước rút, mà trong đó Trung Quốc đang trở thành chủ đề chính trị nóng bỏng.
Cả Tổng thống Obama và ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney đã cam kết gia tăng áp lực với Bắc Kinh trong các vấn đề từ chính sách tiền tệ tới sự bảo hộ của chính phủ Trung Quốc đối với các công ty.
Đầu tháng này, đích thân Obama đã ký một sắc lệnh ngăn chặn hợp đồng của công ty Trung Quốc Ralls Corp, trong 4 dự án phong điện gần một cơ sở hải quân Mỹ tại Oregon. Đây là lần đầu tiên trong 22 năm qua một dự án đầu tư nước ngoài bị chặn ở Mỹ.
Công ty của Trung Quốc sau đó đã kiện ông Obama, cáo buộc chính phủ Mỹ lấn quyền.
William Plummer, phó chủ tịch Hoa Vi cho rằng những cáo buộc mới đối với công ty ông là mang động cơ chính trị.
Vũ Quý
Theo AFP, BBC