1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ tính đưa 20.000 trẻ nhập cư vào tạm các doanh trại quân đội

(Dân trí) - Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã đề nghị quân đội sẵn sàng tiếp nhận khoảng 20.000 trẻ nhập cư lưu trú tạm trong các doanh trại.


Một em bé Honduras bị lính biên phòng Mỹ tạm giữ tại biên giới với Mexico hôm 12/6. (Ảnh: Getty)

Một em bé Honduras bị lính biên phòng Mỹ tạm giữ tại biên giới với Mexico hôm 12/6. (Ảnh: Getty)

Reuters dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dana White ngày 21/6 cho biết, tuy chưa có quyết định cuối cùng nhưng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) đã đánh giá điều kiện ở 3 căn cứ quân sự tại Texas và một căn cứ khác ở Arkansas. Bà cho biết thêm, HHS đã đề nghị Lầu Năm Góc "xác định khả năng cung cấp tạm khoảng 20.000 giường ngủ cho trẻ nhập cư không có người đi cùng tại các căn cứ quân sự".

Bà White không cung cấp thêm các chi tiết khác và hiện không rõ liệu có bao nhiêu trẻ nhập cư đang bị tạm giữ tại các cơ sở lưu trú ở biên giới Mỹ-Mexico.

Chính quyền của Tổng thống Trump thời gian gần đây phải hứng không ít chỉ trích do chính sách siết nhập cư "không khoan nhượng" khiến hơn 2.000 trẻ em bị tách khỏi bố mẹ hoặc người bảo hộ khi nhập cư trái phép vào Mỹ qua biên giới Mexico.

Hình ảnh những em bé bị tập kết lại trong những chiếc lồng bằng sắt lớn do chính sách siết nhập cư của Mỹ đã kéo theo sự phẫn nộ của dư luận khắp thế giới.

Để xoa dịu dư luận, Tổng thống Trump trong tuần này đã ký sắc lệnh ngừng chia cắt các gia đình nhập cư. Tuy nhiên, cho đến hết ngày 21/6 vẫn không rõ liệu chính quyền của ông Trump sẽ làm thế nào để đoàn tụ những đứa trẻ này với gia đình khi bố mẹ chúng vẫn bị buộc tội hình sự. Một số chuyên gia luật cho rằng, sắc lệnh mới của ông Trump không rõ ràng, cụ thể, do vậy tình trạng ly tán gia đình nhập cư sẽ chưa thể chấm dứt.

Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump hôm qua đã đích thân tới các trung tâm lưu trú để gặp gỡ, trò chuyện với những trẻ em bị tách khỏi bố mẹ tại biên giới.

Minh Phương

Theo Washington Post