1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cứu vãn mối quan hệ đồng minh có nguy cơ đổ vỡ

Phía Mỹ đang có những động thái làm dịu quan hệ căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính bất thành vừa qua ở nước này.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ Joseph Dunford hôm 1/8 đã bắt đầu chuyến thăm Ankara nhằm giảm căng thẳng giữa Mỹ với đồng minh trong NATO là Thổ Nhĩ Kỳ.

Tướng Mỹ Dunford. Ảnh: Reuters.
Tướng Mỹ Dunford. Ảnh: Reuters.

Trong chuyến thăm này, Tướng Dunford sẽ lên án vụ đảo chính bất thành xảy ra đêm 15 rạng sáng 16/7 ở Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ tái khẳng định tầm quan trọng của các mối quan hệ song phương đối với an ninh khu vực.

Trong một thông cáo, Đại sứ quán Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, trong chuyến thăm này, Tướng Dunford dự kiến có cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và hội kiến Thủ tướng Binali Yildirim.

Bên cạnh đó, ông cũng sẽ đề cập vấn đề quân nhân Mỹ đồn trú tại căn cứ không quân Incirlik ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Dunford sẽ chuyển những thông điệp lên án bằng ngôn từ mạnh mẽ nhất đối với cuộc đảo chính bất thành mới đây và tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác đối tác với Thổ Nhĩ Kỳ vì an ninh khu vực.

Cuộc đảo chính quân sự bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7 vừa qua làm hơn 230 người thiệt mạng đã làm sâu sắc thêm bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh phương Tây.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan không hài lòng với các chỉ trích của Mỹ cũng như các nước châu Âu về chiến dịch truy quét của chính quyền nước này sau cuộc đảo chính.

Không chỉ lên tiếng chỉ trích Mỹ liên quan đến yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Fethulah Gulen (đang sống lưu vong tại Mỹ), các quan chức Thổ Nhĩ Kỹ còn chỉ đích danh tướng Mỹ tại Trung Đông đứng đằng sau cuộc đảo chính. Vì vậy, chuyến thăm của ông Dunford được cho là nỗ lực của Mỹ nhằm cứu vãn mối quan hệ đang có nguy cơ đổ vỡ.

Bất chấp nỗ lực từ phía Mỹ, Chủ tịch Ủy ban quan hệ đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, ông Taha Ozhan cho rằng, việc không dẫn độ được giáo sĩ Fethulah Gulen - người mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là đứng đằng sau cuộc đảo chính bất thành, sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định khu vực và là điều không thể chấp nhận được từ một đồng minh.

Ông Ozhan nói: “Việc Mỹ không dẫn độ giáo sĩ Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một vấn đề lớn trong quan hệ giữa 2 nước. Nó cũng liên quan mật thiết và trực tiếp tới sự ổn định trong khu vực. Ở thời điểm quyền lực bị lung lay, thì việc người chịu trách nhiệm cho cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang sống ở Mỹ - một đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ và có khả năng sẽ trốn khỏi Mỹ mà không bị bắt giữ là điều không thể chấp nhận được”.

Giáo sĩ Fethulah Gulen, 75 tuổi, sống tại Mỹ từ năm 1999. Ông này đã bác bỏ có liên quan đến cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, Mỹ sẽ chỉ dẫn độ giáo sĩ Gulen nếu Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp các bằng chứng rõ ràng cho thấy giáo sĩ này có liên quan đến cuộc đảo chính.

Liên quan đến vấn đề này, ông Ozhan, cho biết, sự liên quan của giáo sĩ Gulen trong cuộc đảo chính bất thành là điều không phải bàn cãi. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gửi cho Mỹ các bằng chứng mới trong vài tuần tới, thậm chí là trong vài ngày tới, cho thấy ông Gulen đứng đằng sau cuộc đảo chính. Các bằng chứng mới sẽ đầy đủ chi tiết hơn các văn bản Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi cho Bộ Tư pháp Mỹ trước đó, tất cả đều từ trước ngày 15/7 và sẽ gồm cả bản khai từ những kẻ tham gia cuộc đảo chính bị bắt giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ./.

Theo Thùy Linh/VOV-Trung tâm Tin