Mỹ: Thành tổng thống cũng không thể vẽ lại bản đồ thế giới
Một số thí dụ cho thấy tổng thống Mỹ vẫn phải nương vào thực tại chứ không thể xoá bài làm lại, hoặc vẽ lại bản đồ của thế giới.
Trước ngày bầu cử 3 tuần, hai ứng viên tổng thống Mỹ lại đối mặt nhau trong cuộc tranh luận trên truyền hình để thuyết phục cử tri. Lần này phần thắng nghiêng về đương kim tổng thống, nhưng cả người thắng lẫn kẻ thua đều được coi là mạnh mẽ.
Sau cuộc tranh luận đầu tiên bị đánh giá đuối hơn đối thủ đêm 3/10 ở Denver, Colorado, đêm 16/10 vừa qua, suốt tiếng rưỡi đồng hồ tại đại học Hofstra ở New York, ứng viên tổng thống mãn nhiệm Barack Obama đã quyết tâm giành lại ưu thế. Obama đĩnh đạc hơn nhiều so với hiệp tranh luận hồi đầu tháng. Ông tỏ ra mạnh mẽ, quyết đoán và không khoan nhượng!
Cựu thống đốc Massachusetts của đảng Cộng hòa cũng đã phản công quyết liệt với những cáo buộc bằng bản thống kê các lời hứa đã không được thực hiện và thành tích yếu kém của đối thủ. Các chủ đề ưu tiên trong cuộc tranh luận lần vẫn là những vấn đề thời sự trong đời sống hàng ngày của nước Mỹ.
Các thứ tự trong cuộc tranh luận lần lượt gồm: việc làm, chính sách năng lượng, thuế khóa, ngoại giao, nhập cư... và lại kết thúc ở cách làm sao để giữ lại việc làm trong nước Mỹ. Hình thức "tow hall", một hình thức trao đổi trực tiếp với cử tri làm cho cuộc tranh luận vốn mang tính quyết định càng trở nên nóng bỏng.
Nữ phóng viên trưởng Candy Crowley của đài truyền hình CNN đã nhiều lần buộc phải can gián hai ứng viên giống như một trọng tài đứng ra "bóc tách" hai võ sỹ quyền Anh dính vào nhau trong một số khoảnh khắc "sống mái". Crowley phải kiểm chứng các thông tin được nêu ra và thỉnh thoảng buộc phải ngắt lời hai ứng viên khi họ tỏ ra quá hăng hái hay vượt thời gian cho phép.
Khoảng cách biệt mong manh
Cuộc thăm dò ý kiến của CNN/ORC ngay sau buổi tranh luận cho thấy 46% số người được hỏi nói Obama là người chiến thắng, so với 39% dành cho Romney. Trong khi đó, cuộc thăm dò của Viện Gallup vài giờ trước khi cuộc tranh luận bắt đầu lại cho kết quả ngược lại: Mitt Romney dẫn trước Barack Obama với tỷ lệ 50% so với 46%.
Thực tế cho thấy, tổng thống Obama đã cố gắng duy trì khoảng cách biệt mong manh ở phần lớn trong số chín tiểu bang còn chưa ngả ngũ và được dự đoán sẽ quyết định kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng. Ông Obama nhấn mạnh đến hành động cứu trợ của ông đối với ngành công nghiệp ô-tô và cáo buộc đối thủ là muốn để cho Detroit phá sản. Trong khi đó, Romney phủ nhận thành tích này và đưa ra một kế hoạch tạo ra 12 triệu việc làm.
Hai ông đã tranh cãi gay gắt về chính sách năng lượng. Romney chỉ ra rằng giá dầu trên thực tế tăng gấp đôi chỉ trong vòng bốn năm kể từ khi Obama lên nắm quyền. Obama thì nhấn mạnh rằng nguyên nhân là do nền kinh tế đã suy sụp vào đầu năm 2009 và chế giễu rằng Romney có thể làm giảm giá xăng trở lại, vì các chính sách kinh tế của ông sẽ một lần nữa làm kinh tế Mỹ suy sụp.
Sau đó, hai ứng viên liên tục đưa ra những lý lẽ đầy cảm xúc để tranh thủ tầng lớp trung lưu. Tổng thống Obama nói ông đã cắt giảm thuế cho các hộ gia đình trung lưu và các doanh nghiệp nhỏ trong vòng bốn năm qua. Tuy nhiên, ông nói rằng nếu nước Mỹ nghiêm túc về việc cắt giảm thâm hụt thì người giàu nên đóng góp nhiều thêm một chút.
|
Dù ai đắc cử tổng thống, cũng không thể "vẽ" lại bản đồ thế giới. Ảnh: abc.net.au |
Bản thống kê các lời hứa
Về phần mình, Romney phủ nhận rằng ông có kế hoạch giảm thuế cho những người giàu có nhất và nhấn mạnh rằng 5% những người thu nhập hàng đầu nên tiếp tục trả đến 60% tổng thuế như hiện nay. Obama đối chất lại rằng, cử tri không nghe thấy gì cụ thể về bản kế hoạch thuế phác thảo của Romney, ngoại trừ cắt giảm ngân sách cho một tổ chức kế hoạch hóa gia đình mà đảng Cộng hòa lên án là làm tăng nạn phá thai.
Khi được hỏi sẽ làm gì để đảm bảo thu nhập công bằng giữa nam và nữ, Obama cáo buộc Romney là đã không ủng hộ một đạo luật về thu nhập bình đẳng giới mà các dân biểu Dân chủ đã thông qua. Tổng thống lên án quan điểm của Romney rằng giới chủ nên được quyền quyết định liệu các nhân viên nữ của họ có được sử dụng các biện pháp tránh thai trong phạm vi bảo hiểm y tế của họ hay không. Romney bật lại rằng ông không tin các quan chức bàn giấy ở Washington nên can thiệp vào những vấn đề như thế.
Trả lời câu hỏi của một cử tọa, Obama nêu ra một danh sách những thành tựu trong bốn năm ông cầm quyền. Ông nói ông đã cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, chấm dứt chiến tranh ở Iraq, tấn công vào đầu não của al-Qaeda và tiêu diệt được Osama Bin Laden, cứu nền công nghiệp ô-tô và đưa ra chính sách cải cách y tế mang dấu ấn của ông.
Phản công lại, Romney nói bốn năm vừa qua không phải màu hồng như tổng thống miêu tả. Ông thừa nhận: "Tổng thống đã cố gắng nhưng các chính sách của ông ấy không hiệu quả". Ông cũng đưa ra một bản danh sách của riêng mình và phê phán "các lời hứa bất thành" của tổng thống Obama trong bốn năm qua. Romney nói rằng tổng thống đã hứa giảm thất nghiệp xuống còn 5,4%, một chương trình nhập cư và giảm một nửa thâm hụt nhưng đã không thực hiện được điều nào cả.
Không thể vẽ lại bản đồ thế giới
Về cuộc tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Libya hồi tháng trước, làm bốn nhân viên ngoại giao Mỹ trong đó có đại sứ thiệt mạng, Romney chỉ trích tổng thống đã tổ chức một sự kiện gây quỹ ở Las Vegas chỉ sau đó một ngày. Ông cáo buộc Obama đã làm cho người dân Mỹ hiểu sai rằng liệu đó có phải là một cuộc tấn công khủng bố hay không.
Obama trả đũa rằng bình luận của Romney mang tính xúc phạm khi ngụ ý rằng chính phủ của ông lợi dụng cuộc tấn công tang thương đó để "chơi" trò chính trị. Ông cũng cáo buộc ứng viên đảng Cộng hòa là tìm cách kiếm chác chính trị từ bi kịch quốc gia với việc ra thông cáo báo chí sau khi sứ quán Mỹ ở Libya bị tấn công.
Đúng như dự đoán, ứng viên Mitt Romney đã tấn công đối thủ nhân vụ lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi bị khủng bố hôm 11/9 vừa qua, khiến đại sứ Mỹ bị thiệt mạng. Tuy nhiên, trong vụ việc này, mới đây, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố bà là người chịu trách nhiệm chính.
Ngoại giao là lĩnh vực hay bị lợi dụng cho các chiến dịch bầu cử nhất, dù vai trò của nó trong sinh hoạt chính trị không lớn như vẫn tưởng. Năm 1992, thống đốc Arkansas là Bill Clinton cũng đả kích chính quyền George H. Bush (bố) là xoá tội cho Bắc Kinh trong vụ thảm sát Thiên an môn năm 1989. Nhưng ngay sau đấy, ông thi hành chính sách hòa hoãn với Trung Quốc chẳng kém gì ông Bush 41.
Khi tranh cử năm 2000, thống đốc George W. Bush (con) phê phán chính quyền Clinton can thiệp vào Kosovo và đòi phải xây dựng dân chủ cho xứ khác theo mẫu mực của Mỹ. Sau khi đắc cử, ông Bush 43 lãnh hậu quả bất ngờ từ vị tiền nhiệm là vụ khủng bố 9/11 và lại mở chiến dịch tấn công Iraq để xây dựng dân chủ tại đây.
Khi tranh cử năm 2008, chính nghị sĩ Barack Obama đã không ngớt lời đả kích chính quyền Bush 43 về việc đôn quân vào Iraq để rút chạy. Khi đắc cử, ông thi hành chiến lược đó tại Afghanistan. Khác nhau chỉ ở cách đề ra thời điểm triệt thoái là năm 2014.
Trong cuộc tranh cử năm nay, nguyên thống đốc Mitt Romney cũng đả kích chính quyền Obama về nhiều điểm trong đối sách ngoại giao, như với thế giới Hồi giáo, Trung Quốc hay Liên bang Nga. Nhưng nếu đắc cử, ông cũng không thể thay đổi 180 độ để đơn phương đưa Hoa Kỳ xoay qua hướng khác.