1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ tạo "đòn bẩy" cho các nước khi bác yêu sách Biển Đông của Trung Quốc

(Dân trí) - Sự thay đổi chính sách của Mỹ về Biển Đông có thể tiếp thêm động lực cho các quốc gia Đông Nam Á, những nước cũng có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, thực hiện hành động pháp lý với Trung Quốc.

Mỹ tạo đòn bẩy cho các nước khi bác yêu sách Biển Đông của Trung Quốc - 1

Các máy bay cất cánh từ tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ ở Biển Đông. (Ảnh: US Navy)

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/7 tuyên bố Mỹ chính thức phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, căn cứ theo phán quyết của tòa trọng tài thường trực hồi năm 2016. Từ nhiều năm nay, Bắc Kinh ngang nhiên đòi hỏi chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là “đường chín đoạn” phi lý.

Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra tuyên bố về lập trường của Mỹ đối với yêu sách ở Biển Đông được cho là sự thay đổi quan trọng, khi làm rõ chính sách của Washington tại vùng biển này. Trước đây, Mỹ chỉ lên án yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông và kêu gọi các nước trong khu vực đàm phán để giải quyết tranh chấp. Lần này, Washington chính thức bác bỏ yêu sách trên biển của Bắc Kinh.

Trong khi tránh bị coi là chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc, một số quốc gia láng giềng với Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố sau thông báo của Ngoại trưởng Mỹ, kêu gọi Bắc Kinh nên tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông.

Căng thẳng tại Biển Đông có xu hướng tăng nhiệt trong những tuần gần đây. Cả các nước Đông Nam Á và Mỹ đều chỉ trích Trung Quốc vì hành vi quân sự hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng phi pháp trên Biển Đông.

Mặc dù không phải là bên có tuyên bố chủ quyền, song Mỹ vẫn tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông. Quân đội Mỹ nhiều lần đưa tàu chiến, máy bay tới vùng biển này để theo dõi các hoạt động của Trung Quốc và gửi thông điệp cứng rắn tới Bắc Kinh.

David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á, ngày 14/7 cảnh báo Washington có thể trừng phạt các quan chức và công ty Trung Quốc có liên quan tới việc theo đuổi các yêu sách chủ quyền “phi pháp” của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Theo Elizabeth Economy, giám đốc nghiên cứu châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Mỹ, tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo là dấu hiệu cho thấy Washington sẽ củng cố sự ủng hộ của mình đối với phán quyết của tòa trọng tài cách đây 4 năm, đồng thời “khuyến khích các nước khác ủng hộ phán quyết này một cách tích cực hơn”.

Mỹ tạo đòn bẩy cho các nước khi bác yêu sách Biển Đông của Trung Quốc - 2

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (Ảnh: Reuters)

Một số nhà phân tích cho rằng phán quyết của tòa trọng tài ở Hà Lan có thể đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối phó Trung Quốc của Mỹ. Dựa trên phán quyết này, Washington có thể triển khai hành động quân sự trong tương lai.

Trước khi đưa ra tuyên bố quan trọng về Biển Đông, Mỹ hồi đầu tháng đã triển khai 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz tới Biển Đông để tập trận. Tuần này, 2 nhóm tàu tiếp tục tiến hành cuộc tập trận lần 2 nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Ngoài các tàu sân bay, Mỹ gần đây cũng đưa liên tiếp các tàu chiến và máy bay quân sự tới Biển Đông.

Michael McDevitt, chuẩn đô đốc nghỉ hưu của Hải quân Mỹ, cho rằng, bằng việc bác bỏ yêu sách trên biển của Trung Quốc, Mỹ đang phục vụ cho “lợi ích của những nước muốn lấy Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) làm nền tảng cơ sở đề xác định các quyền hàng hải tại Biển Đông”.

“Những gì Washington mong muốn là Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế đã được công nhận, bao gồm UNCLOS”, McDevitt, nhà nghiên cứu cấp cao tại viện nghiên cứu chiến lược CNA, nhận định. UNCLOS cũng là cơ sở cho vụ kiện của Philippines tại tòa trọng tài thường trực ở La Hay hồi năm 2012. 

Học giả Richard Heydarian tại Manila, Philippines cho rằng tuyên bố của Mỹ về Biển Đông trong tuần này mang “hàm ý quan trọng”, đặc biệt với các đồng minh của Mỹ như Philippines, vì tuyên bố này đã làm rõ cam kết của Washington tại Biển Đông.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo tuần này nêu rõ: Mỹ đứng về phía các đồng minh và đối tác Đông Nam Á nhằm bảo vệ quyền chủ quyền đối với các tài nguyên ngoài khơi, nhất quán quyền và nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế, bảo vệ tự do hàng hải, tôn trọng chủ quyền và bác bỏ bất cứ quan điểm nào cho rằng “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông và trong khu vực.

Bộ Quốc phòng Philippines ngày 14/7 tuyên bố "nhất trí cao" với Mỹ sau khi Washington ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông. Manila cũng kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ UNCLOS đã tham gia ký kết.

“Trong trường hợp Trung Quốc thực hiện hành động đơn phương khiêu khích hoặc gây hấn nhằm vào tàu quân sự hay binh sĩ Philippines ở khu vực này, Philippines có thể đưa ra lập luận pháp lý để yêu cầu Lầu Năm Góc ra mặt giúp Philippines”, ông Heydarian nhận định.

Jay Batongbacal, giám đốc Viện Hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines, cũng cho rằng lập trường cứng rắn hơn của Mỹ sẽ giúp các nước Đông Nam Á có thêm “một số đòn bẩy trong các cuộc đàm phán bởi vì các nước này biết rằng quan điểm của họ nhận được sự ủng hộ lớn hơn từ cộng đồng quốc tế so với quan điểm của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu McDevitt cho rằng các nước Đông Nam Á cần tiếp tục cân bằng một cách cẩn trọng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ để không bị đẩy vào tình thế phải chọn phe và mắc kẹt trong tranh chấp.

Thành Đạt

Theo SCMP, Bloomberg