1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ tăng cường hoạt động tại Thái Bình Dương ngăn Trung Quốc bành trướng

(Dân trí) - Lực lượng tuần duyên Mỹ sẽ tăng cường hoạt động tại Thái Bình Dương nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Mỹ tăng cường hoạt động tại Thái Bình Dương ngăn Trung Quốc bành trướng - 1

Tàu tuần duyên Mỹ (Ảnh: USNI)

Tư lệnh Tuần duyên Mỹ, Đô đốc Karl Schultz, ngày 23/7 cho biết Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện trên biển ở bên ngoài “chuỗi đảo chiến lược thứ hai”, một phần trong đó có đảo Guam do Mỹ quản lý.

Trung Quốc từng tuyên bố chiến lược quốc phòng của nước này dựa vào khả năng tự do triển khai lực lượng hải quân, bao gồm các tàu ngầm, tại nhiều chuỗi đảo xung quanh bờ biển của Trung Quốc. Chuỗi đảo thứ nhất bao gồm Nhật Bản, Đài Loan và Philippines, còn chuỗi đảo thứ hai gồm quần đảo Bắc Mariana, Palau và Micronesia.

Theo ông Schultz, Bắc Kinh đã tăng cường đầu tư và gây ảnh hưởng lên các vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, cũng như các quốc đảo tại khu vực này.

“Chúng ta không cần phải nhìn quá xa để thấy những khu vực trên thế giới, nơi các khoản đầu tư kinh tế (của Trung Quốc) đã dẫn tới những sự việc như chiếm hữu các cảng. Ý định của chúng tôi là đưa chúng tôi trở thành một lựa chọn về đối tác cho các quốc đảo Thái Bình Dương, với khả năng giúp đỡ những nước này bảo vệ các lợi ích về chủ quyền của họ”, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ nhấn mạnh.

Theo Alan Tidwell, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Australia, New Zealand và Thái Bình Dương tại Đại học Georgetown, “sự quan tâm của Mỹ tới các đảo Thái Bình Dương hiện nay sâu sắc và mạnh mẽ hơn bất kỳ thời điểm nào trong 30 năm qua”.

Theo chuyên gia Tidwell, việc triển khai lực lượng tuần duyên là một phần trong “cách tiếp cận toàn bộ chính phủ” được Mỹ triển khai với các nước Thái Bình Dương. Cách tiếp cận này bao gồm việc lần đầu tiên bổ nhiệm một cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng chuyên phụ trách khu vực Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường hoạt động của ít nhất 17 cơ quan chính phủ Mỹ trong khu vực.

Trong những tháng gần đây, Tuần duyên Mỹ, lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ các lợi ích hàng hải của Mỹ, đã đóng vai trò lớn hơn tại khu vực Tây Thái Bình Dương và Biển Đông. Đây là một phần trong kế hoạch của Mỹ nhằm kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc trên biển.

Tuần duyên Mỹ đã triển khai ngày càng nhiều hoạt động trong khu vực, bao gồm chuyến đi của tàu tuần duyên Mỹ qua eo biển Đài Loan hồi tháng 3, chuyến thăm tới Hong Kong lần đầu tiên trong 17 năm hồi tháng 4 và chuyển giao 3 tàu an ninh cho Sri Lanka, Việt Nam và Philippines.

Theo CNN, Mỹ cùng Canada, Pháp và một số nước khác đã đưa nhiều tàu chiến tới Thái Bình Dương để khẳng định sự hiện quân sự tại khu vực này. Đô đốc Schultz cho biết việc tàu Mỹ xuất hiện tại vùng biển tranh chấp đóng vai trò như một hình mẫu của “quản trị hàng hải”.

Mỹ tăng cường hoạt động tại Thái Bình Dương ngăn Trung Quốc bành trướng - 2

Đô đốc Karl Schultz (Ảnh: SCMP)

Đô đốc Schultz cho biết Tuần duyên và Hải quân Mỹ kêu gọi các nước đồng minh của Mỹ, các đối tác khu vực và các nước láng giềng của Trung Quốc đẩy lùi các hành vi không tuân thủ “trật tự dựa trên luật lệ” của Bắc Kinh tại các vùng biển quốc tế.

“Tôi nghĩ cần có sự phản kháng quốc tế để cho thấy rằng, chúng ta phản đối các hành vi kiểu như vậy, các hành vi đối kháng, hung hăng, không phù hợp với trật tự dựa trên quy tắc”, SCMP dẫn lời Tư lệnh Tuần duyên Mỹ cho biết.

Đô đốc Schultz cho biết lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã cho thấy sự hiện diện rõ rệt trong khu vực với số lượng tàu đông đảo, bao gồm các tàu thuộc hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, sự hiện diện của các tàu Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của Mỹ về việc duy trì luật pháp quốc tế.

Đô đốc Schultz nói rằng lực lượng tuần duyên Mỹ sẽ hỗ trợ quyền của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông nhằm thực thi quyền chủ quyền tại vùng biển thuộc lãnh thổ của họ, bao gồm đấu tranh chống các hành vi đánh bắt cá trái phép, không thông báo và không kiểm soát; thực hiện các sứ mệnh tìm kiếm và cứu hộ; thực thi luật hàng hải quốc tế.

Theo giới phân tích, mặc dù sự hiện diện ngày càng tăng của lực lượng tuần duyên Mỹ đã phản ánh sự quan tâm của Washington đối với vai trò ngày càng lớn của lực lượng tuần duyên Trung Quốc trong các hoạt động quân sự của nước này, song việc triển khai các tàu “thân trắng” của lực lượng tuần duyên cũng cho phép giảm bớt nguy cơ xung đột tại các vùng biển vốn chủ yếu do các tàu chiến “thân xám” của hải quân hai nước tuần tra trước đây.

“Việc triển khai lực lượng tuần duyên đã phát đi tín hiệu về sức mạnh, nhưng cũng cho phép giảm bớt leo thang căng thẳng và mở đường cho các cuộc trao đổi ngoại giao, chính trị”, Patrick Gerald Buchan, cựu đại diện của Australia trong nhóm tham mưu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nhận định.

Đô đốc Schultz cho biết Tuần duyên Mỹ vẫn đang hợp tác với Tuần duyên Việt Nam để thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.

“Chúng tôi đang hợp tác, làm việc rất chặt chẽ với phía Việt Nam. Việt Nam đã mở rộng lực lượng tuần duyên của họ gấp nhiều lần”, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ cho biết.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm