1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ, Taliban lần đầu hội đàm cấp cao

Thanh Thành

(Dân trí) - Một phái đoàn Mỹ sẽ gặp gỡ các đại diện Taliban tại Doha (Qatar) trong 2 ngày (9-10/10), đánh dấu cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi Mỹ rút hoàn toàn ra khỏi Afghanistan và Taliban lên nắm quyền.

Mỹ, Taliban lần đầu hội đàm cấp cao - 1

Taliban tại một trạm kiểm soát ở Kabul, Afghanistan ngày 5/10 (Ảnh: Reuters).

Hai quan chức chính quyền cấp cao nói với Reuters rằng phái đoàn cấp cao của Mỹ sẽ bao gồm các quan chức từ Bộ Ngoại giao, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và đại diện tình báo. 

Đặc phái viên của Mỹ Zalmay Khalilzad, người nhiều năm dẫn đầu các cuộc đối thoại giữa Mỹ với Taliban và là nhân vật chủ chốt trong các cuộc đàm phán hòa bình với nhóm này, sẽ không có mặt trong phái đoàn lần này. Phái đoàn của Mỹ sẽ có Phó Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Tom West cũng như quan chức nhân đạo hàng đầu của USAID Sarah Charles. Phía Taliban sẽ có các quan chức nội các tham dự.

Cuộc chiến Afghanistan kéo dài 2 thập niên của Mỹ đã kết thúc hồi tháng 8, với cuộc không vận gấp rút sơ tán hơn 124.000 người, trong đó có cả các công dân Mỹ, Afghanistan và những người khác. Nhưng hàng ngàn người Afghanistan từng làm việc cho Mỹ đã bị bỏ lại.

Phía Mỹ dự kiến thúc đẩy Taliban đảm bảo việc đi lại an toàn cho các công dân Mỹ và những người khác rời khỏi Afghanistan, đồng thời thả một công dân Mỹ, các quan chức cho biết.

Ngoài ra, Mỹ còn có ưu tiên hàng đầu là yêu cầu Taliban giữ cam kết không để Afghanistan một lần nữa trở thành "điểm nóng" hoạt động cho Al-Qaeda hoặc các phần tử cực đoan khác.

Washington cũng muốn thúc đẩy nhóm này cải thiện năng lực tiếp cận viện trợ nhân đạo, trong bối cảnh Afghanistan đang phải đối mặt với viễn cảnh "thực sự nghiêm trọng và có lẽ là không thể ngăn chặn" về khủng hoảng kinh tế. Nhiều người Afghanistan đã phải bán dần các tài sản để mua thực phẩm ngày càng khan hiếm.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), việc Mỹ rời đi và nhiều nhà tài trợ quốc tế rút lui đã khiến nước này mất đi khoản viện trợ vốn chiếm đến 75% chi tiêu công.

Mặc dù đã có sự cải thiện để các tổ chức nhân đạo có thể tiếp cận một số khu vực mà họ chưa từng đến trong một thập kỷ, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết, đồng thời nhấn mạnh phái đoàn Mỹ sẽ thúc ép Taliban cải thiện vấn đề này.

Quan chức trên cũng nhấn mạnh, cuộc gặp này không phải là về việc công nhận hay trao quyền hợp pháp cho Taliban. "Chúng tôi vẫn có quan điểm rất rõ ràng rằng, Taliban chỉ có thể được công nhận hợp pháp thông qua các hành động của chính họ. Đó là một quá trình bền vững và lâu dài", quan chức này cho biết.