1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ sẽ phản ứng thế nào nếu Triều Tiên phóng tiếp tên lửa liên lục địa?

(Dân trí) - Mỹ có thể cân nhắc tấn công phủ đầu hoặc bắn rơi tên lửa Triều Tiên, hoặc thậm chí "làm ngơ", song mỗi phương án đều có những thách thức và hạn chế riêng.


Vụ thử tên lửa của Triều Tiên qua Nhật Bản hôm 29/8 (Ảnh: Reuters)

Vụ thử tên lửa của Triều Tiên qua Nhật Bản hôm 29/8 (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yon ngày 7/9 dự đoán Triều Tiên sẽ phóng tiếp một tên lửa đạn đạo liên lục địa vào ngày mai 9/9 nhân ngày Quốc khánh của nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong tuần này cho biết đã trình Tổng thống Donald Trump tất cả các phương án quân sự đối phó với Triều Tiên trong trường hợp cần thiết. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng cảnh báo, bất cứ hành động “gây hấn” nào của Triều Tiên nhằm vào Mỹ hay đồng minh của Mỹ cũng sẽ bị đáp trả quân sự quy mô lớn.

Phương án đáp trả phi quân sự của Mỹ nhằm vào Triều Tiên có thể thấy rõ với việc Mỹ đưa ra dự thảo nghị quyết trừng phạt cứng rắn với Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng nói rằng, Washington sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng nhưng chỉ khi Triều Tiên sẵn sàng ngừng các vụ thử tên lửa, hạt nhân và dần dần từ bỏ chương trình vũ khí.

Tuy nhiên, một số cố vấn của Tổng thống Trump những ngày gần đây lưu ý rằng, nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc hay các chiến lược đàm phán với Triều Tiên chỉ là giải pháp cho trung hạn. Với một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa trước mắt liệu Mỹ sẽ đáp trả như thế nào?

Tấn công phủ đầu

Mỹ cảnh báo đáp trả quân sự mạnh mẽ Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân

Tổng thống thống Trump từng nói ông hãnh diện khi ra lệnh không kích vào căn cứ không quân Syria hồi tháng 4. Cuộc không kích diễn ra vào thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở thăm Mỹ, và được coi là thông điệp ngầm về một “lằn ranh đỏ” với Triều Tiên.

Tuy nhiên, không giống Syria, Triều Tiên hoàn toàn có thể đáp trả hành động tấn công phủ đầu của Mỹ bằng việc tấn công các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Việc phá hủy một tên lửa không thấm vào đâu khi Triều Tiên sở hữu một kho tên lửa. Đó là chưa kể đến việc Mỹ phải xem tên lửa đó có thực sự là mối đe dọa không trong khi chưa thể xác định nó nhằm vào đâu.

Tuy nhiên, theo New York Times, giới chức Mỹ có thể đưa ra lý lẽ rằng, truyền thông Triều Tiên đã đăng tải bức ảnh cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un bên cạnh bản đồ bắn tên lửa, trong đó có nhằm vào đảo Guam của Mỹ.

Bắn rơi tên lửa


Hàn Quốc tập trận tên lửa hôm 4/9 ngay sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. (Ảnh: EPA)

Hàn Quốc tập trận tên lửa hôm 4/9 ngay sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. (Ảnh: EPA)

Nếu tên lửa Triều Tiên nhằm vào Guam hay vùng biển xung quanh đảo này, thì việc bắn hạ tên lửa cũng có thể là một trong các lựa chọn của Mỹ. Nếu kịch bản xảy ra, các tàu chiến của Mỹ được trang bị các tên lửa Standard, hệ thống phòng thủ thành công nhất của Mỹ, có lẽ sẽ khai hỏa đầu tiên.

Tuy nhiên, để làm được điều này, các tàu chiến phải hoạt động ở đúng vị trí, một số cựu quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.

Ngoài ra, Mỹ cũng có thể triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) lắp đặt ở Hàn Quốc.

Nếu tên lửa bay về phía lục địa Mỹ, Mỹ có thể dùng các hệ thống phòng thủ ở Alaska và California. Những hệ thống này từng trải qua các đợt thử nghiệm và bắn rơi mục tiêu giữa hành trình song trong các điều kiện hoàn hảo.

Làm ngơ


Mỹ không bắn hạ tên lửa Triều Tiên phóng qua Nhật Bản hôm 29/8 vì cho rằng đây không phải mối đe dọa. (Ảnh: AFP)

Mỹ không bắn hạ tên lửa Triều Tiên phóng qua Nhật Bản hôm 29/8 vì cho rằng đây không phải mối đe dọa. (Ảnh: AFP)

Đây là cách mà Mỹ đang vận dụng hiện nay: Theo dõi đường đi của tên lửa, xác định nhanh chóng liệu đó có phải là mối đe dọa với khu vực dân cư nào không, và để tên lửa tự rơi xuống biển.

Cách phản ứng này được coi là thận trọng nhất và Tổng thống Trump có thể dùng điều đó để gây sức ép với Trung Quốc và Nga ủng hộ các lệnh trừng phạt Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, đây cũng không phải là phương án hoàn hảo. Sau những cảnh báo gay gắt, việc làm ngơ như vậy sẽ khiến dư luận cho rằng Tổng thống Trump làm ngơ với chính giới hạn đỏ mà ông đặt ra với Triều Tiên.

Tấn công mạng

Trong thời đại công nghệ, một lựa chọn khác mà Mỹ có thể cân nhắc đó là triển khai các chiến dịch tấn công mạng. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2014 từng ra lệnh tăng cường các cuộc tấn công mạng nhằm ngăn chặn các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.

Tuy nhiên, từ lâu, một câu hỏi được đặt ra là chiến dịch này có thực sự hiệu quả với Triều Tiên. Một cựu kỹ sư chuyên về an ninh mạng của Mỹ nhận định, Triều Tiên là mục tiêu “khó nhằn” nhất với họ.

Minh Phương

Theo NYTimes