1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Mỹ sẽ không dùng bạo lực kiểm tra tàu Triều Tiên”

(Dân trí) - Mỹ sẽ không dùng bạo lực để kiểm tra tàu Triều Tiên bị tình nghi chở mặt hàng cấm - quan chức Mỹ hôm qua khẳng định khi ở thăm Seoul, trong khi Hàn Quốc công bố kế hoạch quốc phòng sửa đổi “nhằm đối phó với mọi khả năng tấn công từ Bình Nhưỡng”.

“Mỹ sẽ không dùng bạo lực kiểm tra tàu Triều Tiên”  - 1

Tàu Kang Nam đang bị tàu khu trục Mỹ theo dõi.

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Michele Flournoy đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc gặp các quan chức Hàn Quốc để tìm kiếm sự hậu thuẫn quốc tế với việc thực thi nghị quyết trừng phạt của Liên hợp Quốc với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân thứ hai. Một tàu khu trục Mỹ đang theo dõi tàu chở hàng của Triều Tiên là Kang Nam ở ngoài khơi bờ biển Trung Quốc. Đây là tàu đầu tiên của Triều Tiên bị theo dõi theo nghị quyết này. 

 

Bà Flournoy khẳng định Washington đã loại bỏ khả năng dùng sức mạnh quân sự để kiểm tra tàu chở hàng của Triều Tiên. “Nghị quyết của Liên Hợp Quốc đã đặt ra một cơ chế với những bước đi rất rõ ràng”, Flournoy nói. “Tôi muốn tuyên bố rõ rằng đây không phải là một nghị quyết bảo trợ hay cho phép dùng vũ lực để ngăn cấm”. 

 

Cũng theo bà Flournoy, Mỹ “vẫn có những khích lệ và cách làm thoái chí mà sẽ khiến Triều Tiên phải thay đổi lối cư xử. Mọi thứ vẫn trên bàn, nhưng chúng ta đang tập trung vào thực thi nghị quyết của Liên Hợp Quốc một cách đầy đủ, có trách nhiệm cùng với các đối tác quốc tế của chúng ta”.

 

Hôm 24/6, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Geoff Morrell cho biết Mỹ và các đồng minh vẫn chưa quyết định liệu có yêu cầu kiểm tra tàu Kang Nam hay không, trong khi Triều Tiên loan báo sẽ coi mọi hành động ngăn chặn là tuyên bố chiến tranh.

 

Cùng ngày hôm qua, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã ký thông qua bản sửa đổi kế hoạch cải cách quốc phòng quốc gia dài hạn nhằm tăng cường khả năng đối phó với các cuộc tấn công tên lửa và hạt nhân từ phía Triều Tiên. 

 

Kế hoạch mới nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các trang thiết bị quân sự kỹ thuật cao có khả năng giám sát và tấn công các căn cứ quân sự và tên lửa của Triều Tiên. Ước tính, kế hoạch này sẽ cần khoảng 599,6 nghìn tỷ won (466 tỷ USD) để thực hiện. 

 

Kế hoạch, mang tên “Cải cách Quốc phòng Quốc gia 2020”, được Seoul đưa ra giữa lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang tăng cao. Kế hoạch này được giới thiệu lần đầu năm 2005 - một năm trước khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên.

 

Nguyễn Viết

Theo Yonhap, AFP