Mỹ sẽ huấn luyện bộ binh như lính đặc nhiệm?
Quân đội Mỹ đã có những bước đi đầu tiên để nâng cao hiệu quả của binh sĩ cận chiến, nhưng giới chuyên gia quân sự vẫn muốn bộ binh được huấn luyện các kỹ năng chiến đấu đặc biệt như với lính đặc nhiệm, Breaking Defense đưa tin ngày 11/11.
Để lính bộ binh sinh tồn và chiến đấu hiệu quả hơn trong môi trường cận chiến, lục quân Mỹ đã tăng thời gian huấn luyện họ lên gần 6 tháng. Và để thu hút tân binh có năng lực tốt, quân đội Mỹ giờ đây trao tiền thưởng 40.000 USD (hơn 920 triệu đồng) cho những ai chọn bộ binh.
Những giải pháp mới này được giới chuyên gia quân sự hoan nghênh nhưng họ đánh giá là chưa đủ vì hiện có sự khác biệt lớn về kỹ năng giữa lính đặc nhiệm và lính bộ binh truyền thống – những người đối mặt tỷ lệ tử trận cao hơn tất cả các lực lượng khác.
Trong các cuộc chiến tranh mà Mỹ tham gia kể từ Chiến tranh thế giới lần 2, có tới 90% số người tử trận là lính bộ binh, trong khi lực lượng này chỉ chiếm chưa đầy 4% tổng quân số.
Nhà sử học quân sự, tướng về hưu Bob Scales đề nghị rằng, ngoài việc nâng tiền thưởng cho người chọn bộ binh lên 45.000 USD như bên Hải quân khuyến khích tân binh làm thủy thủ tàu ngầm, quân đội Mỹ cần có chính sách tuyển dụng, sàng lọc, huấn luyện và quản lý nghề nghiệp đối với một đội ngũ bộ binh riêng nằm trong lực lượng Lục quân và Thủy quân lục chiến. Nhóm lính bộ binh này sẽ được huấn luyện để có kỹ năng đuổi kịp lính đặc nhiệm thuộc quyền quản lý của Bộ Chỉ huy hỗn hợp Lực lượng đặc biệt Mỹ (JSOC).
Theo ông Scales, Lục quân hiện đã có một lực lượng đặc biệt là biệt kích trinh sát Ranger (phần lớn binh sĩ tham gia truy sát thủ lĩnh IS Al Baghdadi ở Syria vừa qua là lính biệt kích Ranger) nên mô hình Ranger có thể dễ dàng thay đổi, mở rộng tiếp nhận các đơn vị cận chiến.
Giống lính biệt kích Ranger, một nhóm riêng trong Lục quân sẽ không phải thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động phi chiến đấu. Họ sẽ được huấn luyện liên tục và thời gian tại ngũ phụ thuộc vào khả năng chiến đấu hơn người của họ được duy trì đến đâu.
Các lực lượng mặt đất đồng ý với đề xuất này, nhưng cấp quản lý cho rằng sẽ rất tốn kém nếu phát triển một lực lượng cận chiến như vậy.
Để lính bộ binh sinh tồn và chiến đấu hiệu quả hơn trong môi trường cận chiến, lục quân Mỹ đã tăng thời gian huấn luyện họ lên gần 6 tháng.
Cạnh tranh với đặc nhiệm Nga
Tướng về hưu Scales phản biện rằng, các đơn vị chiến đấu của Lục quân và Thủy quân lục chiến hiện có 26.244 lính cận chiến – chỉ bằng 2/3 quy mô của Sở Cảnh sát thành phố New York. Con số 26.244 không tính khoảng 18.000 binh sĩ khác được đào tạo ở đơn vị bộ binh chuyên biệt nhưng hiện không được giao về các lực lượng chiến đấu.
“Tăng đầu tư cho một đội quân nhỏ như vậy có thể tốn khoảng 1 tỷ USD/năm, bằng 1/3 chi phí của một tàu ngầm. Hãy nhớ lại hoạt động của các lực lượng đặc nhiệm ở Syria và tưởng tượng quân đội ta sẽ mạnh hơn rất nhiều nếu chúng ta sở hữu một đội quân gồm 26.244 lính bộ binh và thủy quân lục chiến có khả năng lập những chiến công như vậy”, ông Scales nói.
Ông Scales cho rằng, việc cung cấp kỹ năng của chiến binh JSOC (đặc nhiệm Delta, Ranger, SEAL) cho lính bộ binh truyền thống cũng giúp giải bài toán số lượng lính đặc nhiệm Mỹ hiện ít hơn đối thủ.
“Giờ đây Nga và Trung Quốc đương đầu chúng ta trên chiến trường toàn cầu. Đặc biệt là quân đội Nga vươn lên từ tro tàn sụp đổ Chiến tranh Lạnh, trở thành đối thủ nặng ký ở những vùng như Trung Âu, Trung Đông. Các lực lượng đặc nhiệm Nga Spetsnaz đã chứng tỏ họ rất hiệu quả ở những nơi như Ukraine và Syria”, tướng về hưu Scales nhận định.
Lính đặc nhiệm Spetsnaz của Nga luyện tập. Ảnh: Steam Community.
Theo Gia Bảo
Tiền phong