1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ sẽ đưa "pháo đài bay" siêu thanh tập trận gần Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ sẽ đưa cặp máy bay ném bom hạng nặng chiến lược B-1B tới Ấn Độ tập trận ở khu vực gần đường biên giới mà New Delhi đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Mỹ sẽ đưa pháo đài bay siêu thanh tập trận gần Trung Quốc - 1

Các máy bay ném bom B-1 của Mỹ (Ảnh: Aviationist)

SCMP đưa tin, 2 máy bay ném bom siêu thanh B-1B của Mỹ sẽ tham gia vào cuộc tập trận chung Exercise Cope giữa Washington và Ấn Độ.

Các máy bay được nhìn thấy xuất hiện ở Bangalore, miền nam Ấn Độ. B-1B của Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận được tổ chức cách khu vực biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc khoảng 700km. Cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 13/4 và dự kiến khép lại vào ngày 24/4 tại căn cứ không quân Kalaikunda. 

Được phát triển vào thập niên 1970, "Bóng ma bầu trời" B-1 được coi là một trong những máy bay "xương sống" của lực lượng máy bay ném bom tầm xa Mỹ. B-1 có thể bay với vận tốc trên 1.448km/h và có thể chở hơn 3,4 tấn đạn dược.

Nó sử dụng 4 động cơ phản lực General Electric F101-GE-102 và có khả năng mang tên lửa hành trình AGM-86B và tên lửa tấn công tầm ngắn AGM-69 cùng nhiều loại bom khác. Nhờ các cải tiến, B-1B Lancer dự kiến sẽ phục vụ trong biên chế Không quân Mỹ tới năm 2040.

Giới quan sát nhận định, việc Mỹ đưa vũ khí chiến lược như B-1B tới Ấn Độ tập trận cho thấy Washington có thể muốn New Delhi có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, Ấn Độ - một cường quốc tự chủ chiến lược, dường như sẽ vẫn duy trì thế cân bằng giữa các nước lớn.  

"B-1B là máy bay ném bom chiến lược, vì vậy mặc dù không tham gia nhiều cuộc tập trận, nhưng nó thể hiện khả năng tấn công mạnh mẽ hơn từ cả bên ngoài khu vực phòng thủ. Mục đích của Mỹ khi điều động B-1B nhằm nhấn mạnh mối quan hệ đối tác đang phát triển với Ấn Độ và tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực chiến lược", chuyên gia quân sự Song Zhongping nhận định với SCMP.

Tuy nhiên, theo ông Song, Ấn Độ và Trung Quốc đang tập trung vào mục tiêu phát triển kinh tế và dường như sẽ không để cho xung đột địa chính trị thêm nghiêm trọng.

Ấn Độ là thành viên của "Bộ Tứ" - nhóm an ninh do Mỹ dẫn đầu nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trung Quốc nhiều lần cáo buộc nhóm này có xu hướng kích động đối đầu.

Tuy nhiên, Ấn Độ cũng lại là thành viên của 2 nhóm quan trọng khác là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS. Trung Quốc là thành viên của cả 2 tổ chức này.

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm