1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ sắp lún sâu ở Syria?

Hơn 20 căn cứ quân sự Mỹ được lập ra tại các khu vực chịu sự kiểm soát của một liên minh các tay súng người Kurd và Ả Rập tại Syria.

Cuộc xung đột ở Syria đột ngột nóng trở lại giữa lúc có những diễn biến cho thấy chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad thách thức cảnh báo của Mỹ.

Nguy cơ leo thang chiến sự

Hôm 22-6, trực thăng quân đội Syria bị cáo buộc thả bom thùng xuống các khu vực thuộc kiểm soát của phe nổi dậy ở miền Tây Nam - lần đầu tiên trong vòng 1 năm qua. Mục tiêu của cuộc tấn công là một nhóm các thị trấn nằm ở phía Đông Bắc TP Daraa, thủ phủ tỉnh cùng tên.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (trụ sở ở Anh) cho biết "hơn 12 bom thùng" thả xuống khu vực, gây thiệt hại vật chất nhưng không có thương vong nào được ghi nhận.

Abu Bakr al-Hassan, phát ngôn viên nhóm nổi dậy Jaish al-Thawra hoạt động trong hàng ngũ Quân đội Syria Tự do (FSA), nói với Reuters rằng hành động ném bom nói trên nhằm kiểm tra mức độ cam kết của Mỹ đối với thỏa thuận xuống thang căng thẳng ở miền Nam Syria.


Một đứa trẻ buộc phải rời bỏ nhà cửa ở tỉnh Daraa - Syria hôm 21-6 Ảnh: REUTERS

Một đứa trẻ buộc phải rời bỏ nhà cửa ở tỉnh Daraa - Syria hôm 21-6 Ảnh: REUTERS

Trong tuần này, quân đội Syria bắt đầu tăng cường chiến dịch quân sự nhằm giành lại khu vực nói trên - giáp biên giới với Jordan và vùng cao nguyên Golan đang bị Israel chiếm giữ, đe dọa đến một "vùng xuống thang" ra đời theo thỏa thuận giữa Mỹ và Nga năm ngoái.

Washington lập tức cáo buộc các vụ không kích, tấn công bằng đạn pháo và rốc-két của Syria vi phạm rõ ràng thỏa thuận đạt được, cũng như cảnh báo Syria và Nga về "hậu quả nghiêm trọng".

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley hôm 22-6 cho biết hơn 11.000 người phải rời bỏ nhà cửa vì các vụ tấn công mới của quân đội Syria, đồng thời nhắc nhở Nga phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ hành động leo thang nào của đồng minh.

Reuters nhận định động thái mới nhất của Syria có nguy cơ kéo Mỹ lún sâu hơn vào cuộc chiến. Chiến đấu cơ Nga cho đến giờ vẫn chưa tham gia chiến dịch mới của quân đội Syria. Dù vậy, đại sứ Nga tại Lebanon Alexander Zasypkin khẳng định với báo al-Akhbar rằng Moscow đang giúp Damascus giành lại lãnh thổ ở miền Nam.

Trong khi đó, phiến quân tại miền Tây Nam lâu nay nhận được sự hỗ trợ, bao gồm vũ khí, từ những kẻ thù của ông Assad ở nước ngoài. Giới phân tích cho rằng sự giúp đỡ này vẫn tiếp diễn ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm ngoái quyết định chấm dứt chương trình hỗ trợ quân sự do Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) tiến hành.

Nhiều thách thức chờ ông Assad

Quyết tâm giành lại quyền kiểm soát toàn bộ đất nước của ông Assad đang gặp nhiều thách thức bởi còn nhiều khu vực nằm trong tay những phe phái khác nhau. Ngoài miền Tây Nam, phe nổi dậy còn kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền Tây Bắc. Những nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn chiếm đóng các khu vực ở vùng biên giới phía Bắc. Ngoài ra, 1/4 lãnh thổ Syria ở phía Đông sông Euphrates đang trong tay một liên minh các tay súng người Kurd và Ả Rập được Mỹ hậu thuẫn - gọi là Các lực lượng dân chủ Syria (SDF).

Riêng Washington có một căn cứ ở vùng al-Tanf, nơi trú đóng của các cố vấn quân sự Mỹ ở gần biên giới với Iraq và Jordan. Trong một diễn biến đáng chú ý, căn cứ này bị những lực lượng chưa rõ danh tính tấn công hôm 21-6, theo phát ngôn viên của liên quân do Mỹ đứng đầu. Lực lượng liên quân đã đáp trả và không chịu tổn thất về người.

Trong lúc chưa ai lên tiếng nhận trách nhiệm, đài Press TV (Iran) hôm 22-6 dẫn một nguồn tin cho biết lực lượng chính phủ Syria bao vây căn cứ của Mỹ tại al-Tanf sau khi tái chiếm phần lớn vùng Badiya từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Mỹ đã đơn phương tuyên bố "khu vực đỏ" có bán kính 55 km quanh căn cứ này và dọa ra tay nếu lực lượng Syria xâm phạm.

Theo thống kê, khoảng 5.000 binh sĩ được triển khai tại hơn 20 căn cứ Mỹ được lập ra tại các khu vực chịu sự kiểm soát của SDF tại miền Bắc Syria. Theo một nguồn tin SDF hôm 22-6, Mỹ đang lập căn cứ mới gần TP Manbij, thuộc tỉnh Aleppo nhưng chưa rõ số lượng binh sĩ được triển khai tại đó.

Đây là căn cứ quân sự thứ 3 của Mỹ tại khu vực này, đe dọa khiến căng thẳng giữa Mỹ và Syria thêm tăng giữa lúc Washington bị tố không kích vài lần vào lực lượng thân Damascus. Cáo buộc mới nhất đưa ra hôm 22-6, theo đó máy bay chiến đấu Mỹ ném bom một tiền đồn của quân đội Syria ở làng al-Halba, cách thành phố cổ Palmyra ở tỉnh Homs khoảng 70 km.

Theo Hoàng Phương

Người lao động