1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ sẵn sàng giúp Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất năng lượng hạt nhân

(Dân trí) - Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề hợp tác hạt nhân dân sự và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt Thomas M. Countryman đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ cuối tuần vừa qua và đã có một hội nghị bàn tròn tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội hôm 13/10.

 

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề hợp tác hạt nhân dân sự và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt Thomas M. Countryman đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ cuối tuần vừa qua
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề hợp tác hạt nhân dân sự và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt Thomas M. Countryman đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ cuối tuần vừa qua

Mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Countryman nhằm để thảo luận với các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội Việt Nam về việc tìm kiếm phương pháp công bằng và minh bạch trong lĩnh vực hợp tác hạt nhân cũng như kiểm soát thương mại trong chương trình hướng đến thực thi Hiệp định Thương mại Tự do (TPP).

Ông cũng thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam về các chương trình hợp tác đào tạo nhân lực, hỗ trợ về công nghệ và xây dựng hành lang pháp lý nhằm đảo bảo an toàn và minh bạch trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cũng như tham vọng của Việt Nam trở thành nước đầu tiên trong ASEAN sản xuất năng lượng hạt nhân.

Ngoài ra, ông cũng có một cuộc thảo luận về việc Việt Nam củng cố các luật, các quy định, năng lực để tăng cường việc thực thi, kiểm soát thương mại chiến lược, kiểm soát hàng hóa ra vào Việt Nam.

Đánh giá về triển vọng hợp tác hạt nhân dân sự giữa Việt Nam và Mỹ, theo ông Countryman, kể từ khi Mỹ và Việt Nam ký kết Hiệp định hợp tác liên chính phủ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (gọi tắt là Hiệp định 123) vào tháng 5/2014 đến nay, quan hệ giữa hai nước đã có những bước tiến lớn. Đặc biệt là chuyến thăm nước Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua đã đánh dấu một bước tiến lớn, đi vào chiều sâu trong quan hệ song phương.

Theo ông, Mỹ và Việt Nam hiện đang hợp tác trong hơn 100 lĩnh vực, nổi bật nhất trong số đó là hiệp định TPP vừa hoàn tất đàm phán vào tuần trước. Trong những lĩnh vực hợp tác mới mẻ, Mỹ mong muốn và sẵn sàng được giúp đỡ Việt Nam trong việc đối phó với những thách thức từ sử dụng hạt nhân để sản xuất điện.

Việc Việt Nam hướng tới phát triển năng lượng hạt nhân là vấn đề cần thiết và tất yếu trong tiến trình phát triển, ông Countryman nhấn mạnh.

Sự thành công của TPP sẽ giúp kích thích nền kinh tế Việt Nam phát triển. Một nền kinh tế phát triển luôn kéo theo sự gia tăng nhu cầu năng lượng và đảm bảo an toàn cho khí hậu. Trong khi đó, ưu điểm của năng lượng hạt nhân là có thể cung cấp nguồn điện năng dồi dào và không có các khí thải độc hại cho khí quyển.

Trong khi đó, TPP đòi hỏi các tiêu chuẩn mua sắm của chính phủ với mức độ minh bạch rất cao. Các hoạt động mua sắm của chính phủ đòi hỏi phải được công khai và được thực hiện một cách công bằng. Điều đó sẽ tạo ra những tác động rất lớn đến các các quyết định của chính phủ Việt Nam trong thời gian tới như mua hàng hóa gì, của các đối tác nào.

Ông Countryman cho biết, các công ty Mỹ đã có các cuộc thảo luận với đối tác Việt Nam về hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân. Trong bối cảnh tiềm năng của thị trường hạt nhân khá lớn đã thu hút nhiều đối thủ khác như Nga, Nhật... ông Countryman bày tỏ tin tưởng rằng các công ty Mỹ có thể giành được những thắng lợi nhất định.

Nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng công nghệ hạt nhân của nước này có mức độ an toàn hàng cao nhất, chưa  từng có tai nạn hay sự cố, các công ty Mỹ có quan hệ tốt với các đối tác đa quốc gia.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Countryman đánh giá cao những bước đi thận trọng và đúng đắn của chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực hạt nhân dân sự và bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ về kinh nghiệm giúp Việt Nam có thể đáp ứng với các tiêu chuẩn của các nước khác trong khu vực cũng như của Mỹ, châu Âu.

Trong hội nghị bàn tròn, ông Countryman nhấn mạnh tới việc cần thiết phải thiết lập một ủy ban giám sát độc lập với chính phủ và các tổ chức khác, không chịu sự giám sát của chính phủ, bộ ngành hay bất kỳ công ty nào. Điều đó giúp kiểm soát mức độ an toàn của các nhà máy hạt nhân tốt hơn, hiệu quả và minh bạch hơn.

Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Năng lượng, IAEA sẽ tiếp tục tư vấn giúp Việt Nam tiếp tục phát triển đội ngũ chuyên gia vận hành nhà máy và các luật lệ cần thiết nhằm đảm bảo an toàn hạt nhân dù Việt Nam mua công nghệ của Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác.

Long Nguyễn

 

Mỹ sẵn sàng giúp Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất năng lượng hạt nhân - 2