1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ sẵn sàng đối phó kịch bản xung đột hạt nhân

Minh Phương

(Dân trí) - Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần thiết nhưng sẽ chỉ làm như vậy với điều kiện "chấp nhận được" đối với đất nước và lợi ích của nước này.

Mỹ sẵn sàng đối phó kịch bản xung đột hạt nhân - 1

(Ảnh minh họa: NTI).

"Chúng ta không muốn xung đột hạt nhân, nhưng nếu buộc phải giao tranh, chúng ta sẽ thực hiện theo những điều kiện mà Mỹ có thể chấp nhận được nhất", người phát ngôn Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ (STRATCOM), Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan phát biểu tại sự kiện Dự án Atom 2024 tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế hôm 20/11.

Người phát ngôn STRATCOM cho hay, điều kiện quan trọng nhất mà Mỹ muốn đảm bảo là duy trì vị thế lãnh đạo toàn cầu và khả năng răn đe mạnh mẽ.

Ông lưu ý, trong trường hợp có khả năng xảy ra một cuộc xung đột hạt nhân, Mỹ sẽ tìm cách duy trì một phần kho vũ khí của mình để tiếp tục răn đe.

"Chúng ta phải có năng lực dự trữ. Bạn sẽ không sử dụng hết nguồn lực của mình để giành chiến thắng, phải không? Bởi vì bạn sẽ không có gì để ngăn cản từ thời điểm đó", ông Buchanan giải thích.

Đồng thời, ông nhấn mạnh Mỹ "không muốn ở trong một môi trường diễn ra sau các cuộc tấn công hạt nhân" và tìm cách tránh bất kỳ kịch bản nào như vậy. Ông kêu gọi đối thoại với Nga, Trung Quốc và Triều Tiên để giảm nguy cơ xung đột hạt nhân, đồng thời nói thêm rằng "vũ khí hạt nhân là vũ khí chính trị".

Những  bình luận trên được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông qua học thuyết hạt nhân sửa đổi theo hướng hạ thấp ngưỡng sử dụng hạt nhân.

Học thuyết sửa đổi nêu rõ, Moscow sẽ có quyền xem xét lựa chọn hạt nhân nếu Nga hoặc Belarus bị tấn công bằng vũ khí thông thường và nếu hành động gây hấn đó tạo ra "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ của họ.

Một số chuyên gia nhận định, bước đi này của Moscow có thể khiến Mỹ và các quốc gia phương Tây khác xem xét lại chính sách hỗ trợ cho Ukraine. Trong tuần này, Mỹ và Anh được cho là đã "bật đèn xanh" cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích rằng học thuyết sửa đổi cho Nga quyền xem xét phản ứng hạt nhân đối với việc Kiev sử dụng tên lửa phi hạt nhân do phương Tây cung cấp để nhắm vào lãnh thổ Nga.

Trong một diễn biến khác, Nga cho rằng căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Redzikowo, Ba Lan đang làm gia tăng mức độ nguy hiểm hạt nhân nói chung, và đây là mục tiêu tấn công ưu tiên mới của Moscow.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 21/11 cho biết, Nga đã thêm căn cứ phòng thủ tên lửa mà Mỹ vừa thiết lập tại Ba Lan vào danh sách các mục tiêu tấn công ưu tiên. Nguyên nhân là căn cứ này rõ ràng có thể làm suy yếu lực lượng của Moscow.

"Cơ sở ở Redzikowo rõ ràng có khả năng làm suy yếu lực lượng răn đe của Nga. Xét tới bản chất và mức độ đe dọa phát sinh, Nga đã đưa cơ sở quân sự này vào danh sách mục tiêu ưu tiên phá hủy".

Cảnh báo được đưa ra sau khi căn cứ phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ - NATO khánh thành tại làng Redzikowo của Ba Lan vào tuần trước.

Theo bà Zakharova, việc khánh thành căn cứ này là "một bước đi gây hấn khác trong một loạt các hành động gây căng thẳng của Mỹ và các đồng minh NATO".

Bà Zakharova cáo buộc đây là một phần của "chính sách kéo dài hàng thập niên qua của phương Tây nhằm đưa cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đến gần biên giới Nga hơn". Bà cảnh báo, động thái này có thể làm suy yếu sự ổn định, gia tăng rủi ro cũng như mức độ nguy hiểm hạt nhân nói chung.

Bà cũng khẳng định Nga có thể phá hủy các cơ sở như vậy bằng nhiều loại vũ khí mới nhất.

Căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ - NATO này ban đầu được đề xuất vào đầu những năm 2000, sau khi Mỹ từ chối hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM). Vào thời điểm đó, Washington đảm bảo với Moscow rằng các căn cứ trong tương lai ở Romania và Ba Lan không nhằm vào Nga.

Tuy nhiên, phát biểu tại lễ khánh thành căn cứ, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda thừa nhận rằng cơ sở phòng thủ này không nhằm mục đích đánh chặn tên lửa đạn đạo từ Iran như đã từng tuyên bố trước đó, mà nhằm mục đích đưa Ba Lan ra khỏi vùng ảnh hưởng của Nga và tiến gần hơn đến Mỹ.

Theo RT