Mỹ rút quân tại Syria để tập trung vào đối phó với Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương?
(Dân trí) - Các nhà phân tích cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ rút quân khỏi Syria khiến Trung Quốc gặp khó khăn khi làm ăn tại quốc gia Trung Đông, và quyết định này cũng có thể cho thấy một sự thay đổi tại Washington nhằm tập trung vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Mỹ rút khỏi Syria, Trung Quốc gặp khó
Các chuyên gia nhận định, hiện vẫn chưa rõ khi nào Mỹ hoàn thành việc rút quân nhưng quyết định này nhiều khả năng sẽ làm kéo dài tình trạng bất ổn tại Syria và cản trở quá trình tái thiết.
"Ông Trump đang tái khởi động cuộc chơi và tất cả các bên ở đó sẽ phải có các động thái của riêng mình. Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ xem các thay đổi tại Trung Đông có thể ảnh hưởng tới các lợi ích của nước này như thế nào", Thời báo Hoa nam Buổi sáng dẫn lời ông Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan tại Shanghai, nhận định.
Trung Quốc đã tránh cuộc xung đột tại Syria, nhưng quan tâm tới việc thúc đẩy sự hiện diện kinh tế tại quốc gia bị chiến tranh tàn phán trong khuôn khổ dự án "Vành đai và con đường", theo ông Wang Jian, một chuyên gia về Trung Đông tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc tại Bắc Kinh.
"Các công ty và các khoản đầu tư của Trung Quốc giờ đây không thể vội vàng", ông Wang nói, cho biết thêm rằng an ninh có thể là một lo ngại lớn đối với việc Mỹ rút quân.
"Nếu tình hình an ninh xấu đi, điều đó sẽ ảnh hưởng tới ý định hợp tác kinh tế của Trung Quốc trong khu vực. Các nguy cơ an ninh có thể tràn sang các quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ Ả rập Xê út và UAE nơi Trung Quốc có các lợi ích kinh tế lớn", chuyên gia trên nói.
Mặc dù Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và phụ thuộc nặng nề vào việc nhập khẩu dầu từ Trung Đông nhưng nước này không có sự hiện diện quân sự trong khu vực.
Các công ty Trung Quốc từng đầu tư và làm ăn với Syria trước khi nội chiến nổ ra vào năm 2011. Thương mại song phương vào năm đó là 2,4 tỷ USD. Nhưng kể từ đó hầu hết các công ty Trung Quốc đã rút đi hoặc ngừng hoạt động tại đây.
Khi tình hình ổn định, các công ty Trung Quốc sẽ trở lại và Bắc Kinh muốn tham gia vào việc tái thiết. Các nhà phân tích cho rằng dự án "Vành đai và con đường" tập trung vào thương mại và xây dựng cơ sở hạ tầng và cả hai điều này sẽ là cực kỳ cần thiết khi việc tái thiết bắt đầu. Theo ước tính của Liên hợp quốc, cuộc nội chiến tại Syria đã gây thiệt hại gần 400 tỷ USD.
Các nhà phân tích cũng cho rằng các công ty Trung Quốc nhiều khả năng sẽ trở lại Syria sau chiến tranh như họ đã làm ở Iraq. Trong một cuộc phỏng vấn gần đâ với hãng tin Xinhua, Bộ trưởng các vấn đề đầu tư của Syria Wafiqa Hosni cho hay chính phủ của ông Assad coi Trung Quốc là "một quốc gia thân thiện".
Trung Quốc đã có các bước đi nhằm thiết lập vị thế bước đầu tại thị trường Syria. Năm ngoái, nước này đã tổ chức "Hội chợ các dự án tái thiết Syria" đầu tiên tại Bắc Kinh, với kế hoạch chi 2 tỷ USD nhằm xây dựng một khu công nghiệp có thể phục vụ tới 150 công ty.
Vào tháng 9, Trung Quốc đã cử một phái đoàn gồm 200 công ty tới Hội chợ quốc tế Damascus lần thứ 60, trong đó các doanh nghiệp tìm kiếm các cơ hội bước chân và Syria và xây dựng mối quan hệ làm ăn trong quá trình tái thiết của nước này.
Mỹ sẽ tập trung đối phó Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương?
Trong khi đó, ông John Lee, một nhà khoa học tại Đại học Sydney tại Australia, cho rằng việc Mỹ rút quân có thể báo hiệu việc Washington đang xem xét lại các chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của mình.
"Điều đó cho thấy một sự thay đổi trong suy nghĩ chiến lược tại Mỹ rằng Trung Đông đang trở nên ít quan trọng hơn với Mỹ và sự chú ý hơn đang đổ về Ấn Độ - Thái Bình Dương", ông nói.
"Mỹ xem Trung Quốc là thách thức cơ bản và lâu dài. Điều này đã được thể hiện trong Chiến lược an ninh quốc gia, Chiến lược quốc phòng quốc gia và bài phát biểu của Phó tổng thống Mike Pence", chuyên gia trên nói thêm.
Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của quân đội Mỹ đã được đổi tên thành Bộ chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương và có kế hoạch nâng cấp các hệ thống thiết bị và vũ khí, tăng cường các cuộc tập trận với các đồng minh khu vực. Cụ thể hơn, Mỹ đã gia tăng các cuộc tuần tra ở Biển Đông để thách thức các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
Trong 2 năm qua, Hải quân Mỹ đã tiến hành 8 cuộc tuần tra tự do hàng hải gần các khu vực do Trung Quốc kiểm soát trái phép ở Biển Đông.
Tuy nhiên, chuyên gia Wu từ Đại học Fudan tin rằng việc sử dụng các lực lượng quân sự Mỹ tại Ấn Độ - Thái Bình Dương bị hạn chế. Ông nói, mục đích của họ chủ yếu là duy trì sự hiện diện và vị thế của Mỹ trong khu vực vì các đồng minh và để gây sức ép với Trung Quốc.
"Khó có khả năng Mỹ sẽ lấy các đảo do Trung Quốc kiểm soát bằng vũ lực, hoặc buộc Trung Quốc từ bỏ kế hoạch Con đường tơ lụa trên biển", ông Wu nói, nhắc tới chiến lược của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy kết nối hạ tầng khắp các quốc gia Đông Nam Á, châu Đại Dương và Đông Phi.
"Tôi không tin rằng Mỹ sẽ thực sự sử dụng các biện pháp quân sự trong khu vực này", ông nói.
An Bình