1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ rút quân khỏi Syria: Người mừng, người lo

(Dân trí) - Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc rút quân ngay lập tức và hoàn toàn khỏi Syria đang kéo theo những phản ứng trái chiều, trong đó giới hoạch định chính sách Mỹ chỉ trích gay gắt quyết định này.


Mỹ có kế hoạch rút quân hoàn toàn khỏi Syria sau 4 năm can thiệp quân sự. (Ảnh minh họa: AFP)

Mỹ có kế hoạch rút quân hoàn toàn khỏi Syria sau 4 năm can thiệp quân sự. (Ảnh minh họa: AFP)

Reuters ngày 19/12 dẫn thông cáo của Nhà Trắng xác nhận, Mỹ đã bắt đầu rút lực lượng quân sự khỏi Syria, song nhấn mạnh sẽ tiếp tục các nỗ lực của liên minh chống khủng bố ở Syria.

Một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết với Reuters rằng, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh rút lực lượng khỏi Syria "hoàn toàn và ngay lập tức". Một quan chức khác cho biết, lực lượng quân sự Mỹ sẽ rút khỏi Syria trong vòng 60-100 ngày trong khi các nhà ngoại giao Mỹ rút khỏi đây trong vòng 24h.

Hàng loạt nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng chỉ trích quyết định đột ngột này của Tổng thống Trump. Các đồng minh của Mỹ cũng bắt đầu lên tiếng.

Hãng tin Washington Post cũng lập tức đăng tải một bài phân tích liệu ai hưởng lợi, ai thất vọng với quyết định này của Mỹ.

Ai mừng?

Tổng thống Syria Bashar al-Assad


Tổng thống Syria Bashar al-Assad (Ảnh: Sputnik)

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (Ảnh: Sputnik)

Washington Post cho rằng, chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad chắc hẳn sẽ vui mừng vì quyết định này của Washington.

Mỹ bắt đầu can thiệp quân sự vào Syria từ năm 2014, mở đầu bằng các cuộc không kích theo chỉ thị của cựu Tổng thống Barack Obama. Sự can thiệp của Mỹ bị cho là nhằm hỗ trợ các lực lượng đối lập lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Assad. Kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức hồi đầu năm ngoái, quân đội Mỹ cũng đã hai lần không kích vào các cơ sở hạ tầng của quân đội chính phủ Syria.

Mỹ rút khỏi Syria sẽ đồng nghĩa với việc lực lượng đối lập ở Syria sẽ suy yếu và đây sẽ là cơ hội để quân đội chính phủ Syria giành lại quyền kiểm soát toàn bộ đất nước với sự hỗ trợ của các đồng minh Nga và Iran.

Iran

Cách đây vài tháng, chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố duy trì hiện diện quân sự lâu dài ở Syria ngăn chặn Iran mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Nếu quân đội Mỹ rút đi, Iran và Nga sẽ trở thành những lực lượng nước ngoài mạnh nhất ở Syria và hơn nữa với việc là đồng minh của chính quyền Syria, họ có thể từ đây mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. Trước kia, Iran đã dựa vào Syria làm con đường trung chuyển binh sĩ và vũ khí cho các đồng minh ở Trung Đông.

Nga

Nga được coi là một trong những đồng minh quan trọng của chính quyền Tổng thống Syria Assad. Quân đội Nga bắt đầu can thiệp vào Syria từ tháng 9/2015 theo đề nghị của Tổng thống Assad. Nếu binh sĩ Mỹ không còn hiện diện ở Syria, Nga có thể dễ dàng mở rộng vai trò ở Syria nói riêng và toàn bộ Trung Đông nói chung.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)


IS có thể trỗi dậy nếu Mỹ rút khỏi Syria. (Ảnh minh họa: EPA)

IS có thể trỗi dậy nếu Mỹ rút khỏi Syria. (Ảnh minh họa: EPA)

Trong dòng tweet hé lộ về kế hoạch rút quân khỏi Syria, Tổng thống Trump nói rằng, IS đã bị đánh bại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, tuyên bố của ông Trump không chính xác bởi theo ước tính hiện vẫn còn khoảng 15.000 phần tử IS ở Syria.

Những tháng gần đây, IS bắt đầu trỗi dậy trở lại ở Syria sau khi bị đánh bật khỏi các thành trì. Bằng chứng cụ thể là các vụ tấn công đẫm máu ở Syri được cho là có liên quan đến IS có xu hướng tăng trở lại.

Washington Post cho biết, IS đang có dấu hiệu tái tập hợp lực lượng và yếu tố quan trọng làm chậm lại quá trình này chính là sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Syria.

Ai lo?

Lực lượng đối lập Syria và lực lượng người Kurd

Lực lượng chịu thiệt hại nặng nề nhất do quyết định của Washington có thể là lực lượng đối lập Syria SDF, lực lượng đang được khoảng 2.000 binh sĩ Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến chống lại quân đội chính phủ Syria.

Lực lượng người Kurd ở Syria cũng thiệt hại không kém khi không còn quân đội Mỹ hậu thuẫn. Thổ Nhĩ Kỳ coi đồng minh người Kurd của Mỹ ở Syria là khủng bố và lo ngại lực lượng này có thể đe dọa đến Ankara. Nếu Mỹ rút đi, lực lượng này có thể sẽ phải đối mặt với hàng loạt cuộc tấn công từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Cách đây chỉ vài ngày, Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ triển khai một chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn nhằm vào lực lượng người Kurd ở Syria.

Israel

Quyết định của Mỹ cũng không khỏi khiến đồng minh Israel cảm thấy "sốc". Ngay sau xuất hiện thông tin về kế hoạch của Mỹ rút quân khỏi Syria, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng: "Đây là quyết định của Mỹ, chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ thời gian, kế hoạch triển khai của Mỹ cũng như tác động của kế hoạch đó đến chúng tôi. Cho dù thế nào, chúng tôi vẫn sẽ chắc chắn rằng an ninh của Israel được đảm bảo và chúng tôi sẽ tự bảo vệ mình".

Các hoạt động quân sự của Israel ở Syria chủ yếu là các cuộc không kích, pháo kích vào các vị trí của lực lượng Iran ở Syria. Tel Aviv từ lâu đã bày tỏ lo ngại sự hiện diện quân sự của Iran ở Syria là mối đe dọa với Israel.

Nếu Mỹ rút khỏi Syria, Israel sẽ còn rất ít đồng minh hiện diện sâu bên trong lãnh thổ Syria.

Minh Phương

Theo Washington Post, Axios