Mỹ rầm rộ đưa vũ khí đến Đông Âu dễ châm ngòi cuộc xung đột với Nga?
Express ngày 10-1 dẫn lời một nhà bình luận chính trị Mỹ nhận định, việc Mỹ quyết định gửi hàng trăm xe tăng đến biên giới Đông Âu để ngăn chặn cái gọi là sự gây hấn của Nga, rất có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc xung đột giữa Washington và Moscow.
"Việc Mỹ triển khai vũ khí rầm rộ đến Đông Âu sẽ không phải là một biện pháp răn đe hiệu quả, bởi chẳng có gì để phải răn đe, ngăn chặn cả. Đó có thể là mục đích của Mỹ muốn cố tình đẩy cao căng thẳng trong khu vực. Hành động này của Mỹ đã không được tính toán kỹ lưỡng, sự 'nhảy múa' của những chiếc xe tăng thực sự chỉ là một trò hề. Nó giống như một … cuộc diễu hành hoành tráng, đắt đỏ", ông John Walsh, một giáo sư về khoa học thần kinh và cũng là một nhà bình luận chính trị người Mỹ đã đưa ra những lời giải thích với Sputnik News hôm 9-1.
Nhà phân tích John Walsh cũng tin rằng, Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng nước này Ashton Carter đã thông qua kế hoạch triển khai lực lượng quân sự đến Đông Âu, qua đó sẽ lôi kéo các nước nhỏ hơn ủng hộ Mỹ và quay lưng với Nga.
"Các nước châu Âu nên hết sức thận trọng khi đặt họ giữa Mỹ và Nga. Hãy nhìn những gì đã từng xảy ra với Ukraine", ông Walse cảnh báo.
Ông Todd Pierce, một quan chức nghỉ hưu và là một nhà sử học của Mỹ cũng cho rằng, đợt triển khai lực lượng mới này của Mỹ là quá nhỏ, chưa đủ để có thể trở thành sự răn đe đáng tin cậy. Động thái mới nhất này của Washington chỉ khiến ngân sách của Lầu Năm Góc phồng to lên mà thôi.
Trong vài ngày qua, khoảng 4.000 lính Mỹ và 2.800 thiết bị quân sự đã đổ về cảng Bremerhaven của Đức. Lực lượng mới của Mỹ đầu tiên sẽ được điều đến Ba Lan để tham gia các cuộc tập trận vào cuối tháng này và sau đó sẽ được triển khai đến các nước vùng Baltic, Bulgari, Rumani.
Được biết, việc quân đội Mỹ quyết định gửi một số lượng lớn binh sĩ và thiết bị quân sự tới Đông Âu là để phục vụ chiến dịch Atlantic Resolve của NATO, nhằm đáp trả các hoạt động của Nga tại khu vực, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine.
Washington nhiều lần khẳng định, sự can thiệp quân sự của Moscow tại Kiev chính là tiền đề cho việc xây dựng quân đội của họ ở Đông Âu, còn Nga luôn coi sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của NATO dọc biên giới phía tây nước này là một mối đe dọa an ninh.
Theo Hoàng Nguyễn/Express
An ninh thủ đô