1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ “ra rìa” trong vấn đề Libya, Nga chớp cơ hội gia tăng ảnh hưởng

Theo các nhà phân tích, việc thiếu vắng vai trò dẫn đầu của Mỹ ở Libya đang đem lại cơ hội để Nga gia tăng ảnh hưởng ở Địa Trung Hải.

Libya dường như đang trở thành một “miếng bánh miễn phí” cho các cường quốc khu vực và châu Âu, trong đó, nhiều đồng minh của Mỹ nhảy vào khoảng trống an ninh chính trị với sự ủng hộ dành cho các bên khác nhau.

Mỹ “ra rìa” trong vấn đề Libya, Nga chớp cơ hội gia tăng ảnh hưởng - 1

Các binh sỹ trung thành với chính phủ GNA được Liên Hợp Quốc ủng hộ đang chuẩn bị tiến về thành phố Sirte. Ảnh: Reuters

Trong khi các đồng minh trong NATO ủng hộ những bên khác nhau ở Libya, thì các lực lượng từ Nga, Syria và cả khu vực cận Sahara châu Phi cũng tận dụng cơ hội để can dự vào quốc gia Bắc Phi này.

Vị thế bên lề của Mỹ trong vấn đề Libya càng nhận được sự chú ý đáng kể khi các bên như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và có thể cả Ai Cập đang đổ vũ khí vào một chiến trường được ví như thùng thuốc súng.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Libya đã bước vào một giai đoạn mới vô cùng nguy hiểm với kết quả là sự can dự quân sự chưa từng thấy từ nước ngoài. “Thời gian không đứng về phía chúng ta”, Tổng thư ký Guterres nói đầu tháng này.

Trong bài phân tích trên Washington Post, tác giả Missy Ryan cho rằng tình hình hiện nay ở Libya một phần là do kiểu can dự “ngẫu nhiên” trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Trump. Năm ngoái, Tổng thống Trump đã chuyển hướng ủng hộ từ chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên Hợp Quốc công nhận sang lãnh đạo LNA đối lập Khalifa Haftar.

Phải tới khi giới chức quan chức quân sự Mỹ cảnh báo rằng các hoạt động quân sự mới [được cho là] của Nga có khả năng đe dọa các tài sản hải quân Mỹ ở Địa Trung Hải, Tổng thống Trump mới lên tiếng kêu gọi dừng giao tranh ở Libya trong các cuộc trao đổi với lãnh đạo Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp.

Libya không phải ưu tiên của Mỹ

Dù vậy, cuộc chiến ở Libya lại không nằm trong những ưu tiên chính sách ngoại giao hàng đầu của Mỹ, trong bối cảnh Nhà Trắng muốn tập trung vào các vấn đề như Trung Quốc, Iran. Trong khi đó, mong muốn lâu nay của ông Trump là giảm bớt vai trò của Mỹ trong các cuộc xung đột quốc tế

“Mỹ đang giảm ảnh hưởng của chính mình. Tất cả các bên đang tận dụng sự vắng mặt của Mỹ để hưởng lợi”, Emadeddin Badi, một chuyên gia về Libya tại Hội đồng Atlantic nói.

Kể từ sau khi hợp sức cùng với các chiến dịch do NATO dẫn đầu lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011, Mỹ đã hạn chế can dự vào Libya, chỉ quan sát quốc gia Bắc Phi này qua ống kính chống khủng bố, đồng thời thúc giục các nước châu Âu dẫn đầu trong các nỗ lực liên quan đến Libya.

Cho tới nay, nhiều người Libya vẫn chỉ trích Mỹ vì đã không giúp đỡ họ sau sự kiện Mùa xuân Arab. Dù các nhà ngoại giao Mỹ những năm gần đây đã cố gắng xây dựng tính hợp pháp cho Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên Hợp Quốc công nhận, thì sự ủng hộ của Mỹ cũng ngày càng thận trọng hơn do GNA vẫn còn non trẻ và phụ thuộc vào các nhóm dân quân.

Trong khi đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dường như có động lực một phần từ tiềm tăng kinh tế của Libya với trò là một trong những nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới và vị trí địa lý của nước này ở sườn phía nam châu Âu.

Chuẩn Đô đốc Heidi Berg, quan chức tình báo hàng đầu tại Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ nói rằng Moscow đang tìm cách đặt mình vào vị trí một nhà bảo trợ hòa bình ở Libya trong khi vẫn nhen nhóm xung đột sau hậu trường.

“Các lực lượng ủy nhiệm... trước đây từng ngồi vào bàn đàm phán và có những ảnh hưởng đáng kể đối với kết quả, nhưng giờ gần như đã trở thành những bên đối thoại chính”, ông Berg nói trong một cuộc phỏng vấn. Điều đó cho thấy rõ những gì Nga muốn là ảnh hưởng quốc tế.

Cuộc xung đột ở Libya cũng cũng khiến các nước NATO bất đồng với nhau khi Pháp, nước mà Mỹ nói là ủng hộ Haftar, tuyên bố sẽ không chịu đựng “trò chơi nguy hiểm” của Thổ Nhĩ Kỳ - nước ủng hộ GNA.

Mỹ vắng bóng, Nga sẽ hưởng lợi

Đối mặt với một chiến trường chuyển biến nhanh chóng, giới chức ngoại giao Mỹ nói rằng họ đang tiếp tục “đẩy mạnh” các nỗ lực, chủ yếu là ở hậu trường, nhằm ủng hộ ổn định chính trị theo một chính sách “trung lập tích cực”.

“Trước tiên và quan trọng nhất, đây là một vấn đề châu Âu”, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Nói về sự liên quan của Mỹ trong vấn đề Libya, quan chức này viện dẫn việc Ngoại trưởng Mike Pompeo tham dự một hội nghị thượng đỉnh về Libya ở Berlin đầu năm nay, nơi mà các nước như Nga, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt ra một kế hoạch ngừng bắn ở Libya (nhưng sau đó bất thành) và kêu gọi chấm dứt bạo lực dù chính họ cũng đang bí mật hỗ trợ bên này hay bên kia ở Libya.

Việc Tổng thống Trump tán thành chiến dịch quân sự của tướng Haftar trong một cuộc điện đàm tháng 4/2019 khiến nhiều người nghĩ rằng Mỹ chính thức ủng hộ ông Haftar như một nhà lãnh đạo hợp pháp của Libya. Tuy nhiên, vai trò của Mỹ ở Libya vẫn rất mờ nhạt và giới chức Mỹ cho tới nay cũng chỉ dừng lại ở quan điểm ủng hộ ổn định chính trị Libya hơn là chọn bất cứ bên nào ở quốc gia Bắc Phi này.

Trong khi đó Nga cũng sẽ hưởng hợi nếu Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sissi quyết tâm đưa quân tới Libya để ngăn chặn lực lượng GNA tiến quá xa về phía đông. Giới chức Mỹ nói rằng, Ai Cập – nước lâu nay ủng hộ lực lượng LNA của tướng Haftar, đã có sự chuẩn bị về mặt quân sự cho một cuộc can thiệp tiềm tàng.

Quốc hội Ai Cập ngày 20/7 đã đồng ý gửi các lực lượng vũ trang tham gia chiến đấu bên ngoài lãnh thổ để bảo vệ an ninh quốc gia và chống khủng bố.

Việc Ai Cập sẵn sàng đưa quân tới Libya để ngăn chặn GNA cũng là một động thái cho thấy rõ ảnh hưởng của Mỹ đối với Ai Cập đã giảm sút. Bất chấp việc nhận được 1,3 tỷ USD viện trợ từ Washington mỗi năm, nhưng Cairo đang ngày càng gần với Moscow hơn. Ai Cập mua vũ khí của Nga và gần đây hai bên còn có một thỏa thuận năng lượng hạt nhân.

Dù những mối đe dọa là thấy rõ, nhưng chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa chắc muốn can dự nhiều hơn vào Libya, ngay cả ở những nơi mà Mỹ có lợi ích rõ ràng hơn, bởi yếu tố không thể thay đổi trong chính sách ngoại giao của ông Trump là giảm sự can dự trong các cuộc xung đột ở nước ngoài.

Một câu hỏi khác được đặt ra là Mỹ, cho dù nước này chấp nhận đóng vai trò tích cực hơn, có thể làm được gì ở Libya khi mà các nước khác đã thể hiện sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự.

“Cuối cùng, thì cơ hội sẽ rơi vào tay Nga. Nếu bạn không sẵn sàng chớp lấy, cơ hội sẽ qua đi. Nga sẽ ngày càng mạnh hơn và gia tăng ảnh hưởng nhiều hơn trong khu vực”, chuyên gia Badi nhận định.