1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ quyết không nói lý do cấm tướng Indonesia nhập cảnh

Phía Mỹ từ chối giải thích lý do Tư lệnh quân đội Indonesia Gatot Nurmantyo không được phép nhập cảnh vào Mỹ và chỉ gửi lời xin lỗi.


Tư lệnh quân đội Indonesia Gatot Nurmantyo. Ảnh: Reuters

Tư lệnh quân đội Indonesia Gatot Nurmantyo. Ảnh: Reuters

Ông Nurmantyo và vợ lên kế hoạch rời khỏi Indonesia tới Mỹ vào tối 21-10 (giờ địa phương). Tuy nhiên, trước giờ khởi hành, ông nhận được thông báo từ cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ cho biết ông không được phép vào Mỹ dù ông có visa.

Theo kế hoạch, Tư lệnh quân đội Indonesia sẽ tham dự một hội nghị ở thủ đô Washington trong 2 ngày 23 và 24-10, theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunforf.

Hôm 23-10, Phó Đại sứ Mỹ tại Indonesia, bà Erin McKee, đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi và xin lỗi. "Chúng tôi rất tiếc về sự bất tiện này và chúng tôi xin lỗi" – bà McKee nói. Đại sứ Mỹ Joseph Donovan cũng gửi lời xin lỗi từ đại sứ quán cách đây 1 ngày.

Bà McKee không tiết lộ lý do ông Nurmantyo bị cấm nhập cảnh mà chỉ tuyên bố "vấn đề đã được giải quyết".

Trong khi đó, bà Retno nói rằng Indonesia đang yêu cầu Mỹ giải thích cụ thể về những gì đã xảy ra: "Tôi nhận được thông tin rằng tình hình đã được giải quyết nhưng tôi nói với họ bằng đó là chưa đủ. Đối với chúng tôi, đây là một vấn đề quan trọng".

GS quan hệ quốc tế Hikmahanto Juwana, làm việc tại Trường ĐH Indonesia, cho biết nguyên nhân ban đầu là do "một vấn đề nội bộ trong chính phủ Mỹ" nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Đầu năm nay, ông Nurmantyo tạm thời đình chỉ quan hệ quân sự với Úc liên quan đến các tài liệu giảng dạy bị coi là "xúc phạm" được sử dụng tại căn cứ quân sự ở TP Perth.

Trước đó, vị tư lệnh quân đội Indonesia cũng bày tỏ quan ngại về động thái luân chuyển lực lượng của thủy quân lục chiến Mỹ quanh khu vực Darwin. Ông Nurmantyo nói bóng gió rằng lực lượng Mỹ ở đó nhằm mục đích "kiểm soát" tỉnh Papua của Indonesia.

Quan hệ giữa Indonesia và Mỹ diễn ra khá tốt đẹp. Nhưng đôi lúc, hai nước gặp một số vấn đề như hoạt động của các công ty tài nguyên Mỹ tại Indonesia hoặc cáo buộc lạm quyền liên quan đến quân đội Indonesia.

Ông Nurmantyo quan niệm Indonesia bị bao vây bởi "cuộc chiến ủy quyền" do nước ngoài thực hiện nhằm làm suy yếu đất nước.

Washington trong quá khứ từng từ chối cho một số cựu tướng lĩnh của Jakarta nhập cảnh. Chẳng hạn, ông Prabowo Subianto, người được cho là ứng viên tổng thống 2019 của Indonesia, tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với Reuters rằng năm 2012 ông còn bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ bởi bị cáo buộc xúi giục các cuộc bạo loạn giết chết hàng trăm người sau khi cố Tổng thống Suharto bị lật đổ năm 1998.

Theo Phạm Nghĩa

Người Lao Động