1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ quan ngại sâu sắc vụ tàu Trung Quốc bắn cháy tàu Việt Nam

(Dân trí) - Phản ứng trước vụ tàu Trung Quốc bắn cháy tàu cá của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc và kịch liệt phản đối việc dùng vũ lực hay áp bức trên Biển Đông.

 

Thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh vẫn không tin nổi mình thoát chết trở về.
Hình ảnh cho thấy rõ tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắn cháy (ảnh Tiền phong)
 

“Là một quốc gia trong Thái Bình Dương, Mỹ có quyền lợi quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật quốc tế, tự do hàng hải và thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell ngày 26/3 cho biết.

 

Trước đó, ngày 25/3 Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết ngày 20/3 vừa qua, các tàu Trung Quốc đã đuổi và bắn cháy một tàu cá của Việt Nam ở trong vùng biển Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam đã trao công hàm phản đối tới Trung Quốc trước hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam và vi phạm  nghiêm trọng thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản giải quyết những vấn đề trên biển giữa hai nước này.

 

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 26/3 tại Bắc Kinh đã phát biểu đầy mâu thuẫn khi một mặt phủ nhận nổ súng vào tàu cá Việt Nam, một mặt lại trắng trợn tuyên bố hành động với tàu cá Việt Nam là “cần thiết và chính đáng” cũng như tàu cá Việt Nam “khi đó không bị thiệt hại gì”. Trong khi đó, vào cuối ngày 26/3, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra tuyên bố chỉ thừa nhận tàu nước này bắn 2 quả pháo sáng cảnh báo về phía tàu Việt Nam vào khoảng 10h30 ngày 20/3 vừa qua và các đạn tín hiệu đó cháy hết rồi tắt trên không trung.

 

Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell, cho biết Washington rất “quan ngại” và đang tìm hiểu thêm thông tin về vụ việc.

 

Nhưng ông nhấn mạnh, “chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hay áp bức” trên Biển Đông.

 

Ông Ventrell cũng cho rằng những vụ việc như trên cho thấy sự cần thiết phải có “một bộ quy tắc ứng xử để những vụ việc như thế này có thể giải quyết theo cách minh bạch và theo luật định”.

 

Đây không phải là lần đầu tiên, các tàu của ngư dân Việt Nam đang hoạt động trong ngư trường truyền thống xung quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị các tàu của Trung Quốc tấn công. Vài năm gần đây đã có nhiều trường hợp tàu cá Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt giữ tịch thu ngư cụ, đòi tiền chuộc.

 

Vũ Quý

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm