1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ, Philippines “phản pháo” vùng cấm đánh bắt trên Biển Đông của Trung Quốc

(Dân trí) - Mỹ, Philippines cùng đảo Đài Loan đều đã có “phản pháo” với vùng cấm đánh bắt phi lý mới trên 2/3 Biển Đông của Hải Nam, Trung Quốc. Trong khi đó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng việc đưa ra quy định đắt bắt là việc làm bình thường.

 

Quy định ngạo ngược mới, nhưng không công bố rộng rãi

Quy định đánh bắt mới Hải Nam đưa ra bao phủ 2/3 Biển Đông.
 

Mỹ: Hành động “khiêu khích” và “nguy hiểm”

 

Mỹ, vốn đã phủ nhận vùng nhận dạng phòng không mới của Trung Quốc trên Hoa Đông mới đây, ngày 9/1 cho hay những giới hạn đánh bắt mới của Trung Quốc ở Biển Đông là “khiêu khích và có khả năng gây nguy hiểm”.

 

Chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, hồi tháng 11 vừa qua đã phê chuẩn luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, qua đó yêu cầu toàn bộ tàu cá nước ngoài phải được sự cho phép của họ mới có thể vào khu vực nằm dưới quyền thực thi pháp lý của họ. Vùng này bao phủ tới 2/3 Biển Đông.

 

“Việc thông qua những giới hạn này đối với các hoạt động đánh bắt của các nước khác ở những vùng tranh chấp trên Biển Đông là hành động khiêu khích và nhiều khả năng gây nguy hiểm”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết trong một cuộc họp báo. “Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ giải thích hay cơ sở nào theo luật quốc tế cho những tuyên bố biển rộng khắp này.”

 

“Quan điểm từ lâu của chúng tôi luôn là tất cả các bên liên quan cần tránh có bất kỳ hành động đơn phương nào gây căng thẳng và làm hỏng viễn cảnh giải quyết các khác biệt bằng ngoại giao hoặc phương thức hòa bình khác”.

 

Quy định đánh bắt mới của Trung Quốc được đưa ra sau khi Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không mới trên Hoa Đông hồi cuối tháng 11, bao gồm cả khu vực có quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật. Mỹ đã phủ nhận vùng này và điều 2 máy bay ném bom B-52 vào khu vực nhằm thách thức Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ không đề cập gì đến khả năng Mỹ có phản ứng như thế nào với vùng cấm đánh bắt mới của Trung Quốc.

 

Philippines quan ngại sâu sắc

 

Philippines hôm nay 10/1 lên án luật đánh bắt mới của Trung Quốc. “Chúng tôi đã yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức làm rõ luật đánh bắt mới do chính quyền tỉnh Hải Nam đưa ra”, Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố cho hay.

 

“Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước quy định mới theo đó sẽ yêu cầu các tàu cá nước ngoài phải được sự cho phép của giới chức trách cấp vùng của Trung Quốc trước khi đánh bắt hoặc khảo sát trên một vùng rộng lớn của Biển Đông.”

 

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez trước đó cho hay nước này đã sẵn sàng bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình, trải rộng 200 hải lý từ bờ biển của Philippines.

 

“Tất cả các nước được tự do áp dụng luật đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Những thiết lập quân sự đã sẵn sàng để hỗ trợ thực thi các luật biển ở EEZ của Philippines”, ông Galvez tuyên bố. “Chúng tôi sẽ thực thi bảo vệ nguồn tài nguyên của chúng tôi”, ông cho biết thêm.

 

Đài Loan không công nhận

 

Còn cơ quan ngoại giao của Đài Loan ngày 9/1 cho hay hòn đảo này không công nhận quy định đánh bắt mới trên Biển Đông của Bắc Kinh và kêu gọi chấm dứt tranh chấp trên khu vực có khả năng nhiều dầu mỏ, khí đốt này. “Chính quyền Đài Loan không công nhận bất kỳ động thái đơn phương nào do bất kỳ nước nào đưa ra hoặc tuyên bố”, phát ngôn viên cơ quan ngoại giao Đài Loan Anna Kao cho hay.

 

Trung Quốc: Quy định đánh bắt là việc làm bình thường

 

Mặc dù giới chức Hải Nam hiện chưa có bình luận gì về các quy định mới, song người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng việc quy định sử dụng các nguồn tài nguyên biển của Trung Quốc là việc làm bình thường.

 

“Mục đích là củng cố an ninh của các nguồn hải sản và sử dụng cũng như bảo vệ các nguồn này một cách công khai và hợp lý”, bà cho biết khi được hỏi về quy định cấm đánh bắt mới tại một cuộc họp báo.

 

Theo Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại đại học Renmin ở Bắc Kinh, việc áp dụng quy định mới có thể phụ thuộc vào việc ngư dân nước ngoài là nước nào. “Chúng tôi áp dụng luật như thế nào phụ thuộc vào mối quan hệ song phương với các nước như thế nào”, ông Shi cho hay. “Nếu mối quan hệ tốt, quy định có thể được nới lỏng. Nếu không, chúng tôi sẽ áp dụng chặt chẽ, có nghĩa là họ phải có được sự phê chuẩn của chúng tôi trước khi vào khu vực”.

 

Vũ Quý

Tổng hợp