1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ - Philippines hợp lực xây căn cứ tiền tiêu trên biển Đông

Ngày 15/08 vừa qua, Mỹ và Philippines đã kết thúc vòng 1 cuộc đàm phán về việc mở rộng sự hiện diện của quân đội Mỹ, tại các căn cứ quân sự của nước này trên biển Đông. Đại diện quân đội Philippines cho biết, vòng đàm phán này mục đích chính là đột phá, xây dựng nền móng cho sự tồn tại của quân đội Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho các vòng đàm phán tiếp theo.

 

Tuy vậy, các quan chức Philippines không hề đề cập đến các vấn đề chi tiết đàm phán trong hiệp định mở rộng triển khai quân đội Mỹ tại Philippines, như quy mô và các hoạt động cụ thể của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, một số phương tiện truyền thông Nhật Bản tiết lộ một thông tin chấn động là quân đội Mỹ sẽ xây dựng một trong những căn cứ tiền duyên cực kỳ quan trọng trên đảo Palawan, nằm ở phía tây nam Philippines sát với quần đảo Trường Sa trên biển Đông.

Tờ Philippine Daily Inquirer cho biết, trong vòng đàm phán thứ nhất của Hiệp định an ninh mới, Mỹ đã chính thức đề nghị tăng cường sự hiện diện binh lính, máy bay, tàu chiến và các loại vũ khí khác ở các căn cứ quân sự Philippines trên biển Đông. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines, ông Pio Lorenzo Batino cho biết, trọng điểm đàm phán sẽ là sự luân phiên thay quân và tàu chiến, máy bay Mỹ cùng lượng dự trữ vũ khí, trang bị Mỹ ở Philippines.

Đây sẽ là một phương pháp tốt để lách qua điều khoản cấm quân đội Mỹ thường trú vĩnh viễn tại quốc gia này nên nó đã gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, thứ trưởng Batino cũng từ chối tiết lộ các chi tiết có liên quan đến số lượng vũ khí, trang bị và quy mô lực lượng binh lính đến “thăm viếng” Philippines bởi vì vấn đề thời gian duy trì và số lượng cụ thể sẽ được 2 nước bàn bạc cụ thể hàng năm.

Tàu chiến Mỹ trên vịnh Subic - căn cứ hải quân cũ của Mỹ
Tàu chiến Mỹ trên vịnh Subic - căn cứ hải quân cũ của Mỹ

Ngoài ra, vị thứ trưởng này cũng cho biết, địa điểm diễn tập hoặc đóng quân của binh lính Mỹ cũng sẽ được công bố, tuy nhiên nó sẽ không bao gồm số lượng cụ thể và chi tiết các hoạt động. Trước đó, vào ngày 15/08, Trợ lý Ngoại trưởng Carlos Sorreta - Trưởng nhóm đàm phán của Philippines cho biết, vòng đàm phán ký hiệp định lần này sẽ chỉ xây dựng một khuôn khổ hợp tác chung, đây chỉ là một “Hiệp định hành chính”, nội dung đàm phán không cần phải thông qua sự phê chuẩn mà chỉ cần thông báo tới Thượng viện Philippines.

Tuy vậy, hãng tin Nhật Bản Kyodo News trích dẫn nguồn tin từ một quan chức giấu tên của Philippines cho biết, Mỹ và Philippines sẽ sử dụng chung căn cứ quân sự của Philippines ở Palawan, tiếp giáp với quần đảo Trường Sa. Hiện nay, tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Trung Quốc và Philippines trên biển Đông đang ngày càng quyết liệt, hàng động này của Mỹ và Philippines được người ta hiểu là họ đang xây dựng một vành đai tiền tuyến, trấn áp sự bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông.

Về phía Philippines không ngừng khẳng định, Chính phủ nước này sẽ không bao giờ phê chuẩn cho phép Mỹ thành lập căn cứ quân sự ở Philippines. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Philippines ngày 16 vừa qua cũng biểu thị, những thiết bị và vũ khí Mỹ vận chuyển sang cất trữ và lắp đặt tại các căn cứ quân sự hoặc khu doanh trại, sau khi chấm dứt các hoạt động huấn luyện và tập trận chung trên biển Đông, họ sẽ vận chuyển trở về nước hoặc chuyển giao cho quân đội Philippines.

Tàu chiến Mỹ trên vịnh Subic - căn cứ hải quân cũ của Mỹ

Mỹ đang tìm mọi cách trở lại Philippines để xây dựng căn cứ tiền tiêu trên biển Đông, củng cố vững chắc vành đai của chuỗi đảo thứ nhất

Các căn cứ quân sự trước đây của Mỹ bắt đầu đóng cửa từ năm 1991 nhưng dựa vào “Hiệp định thăm viếng lẫn nhau” của quân đội 2 nước, từ năm 2002 đến nay, hơn 500 quân Mỹ đã thay phiên nhau đến đóng quân ở miền Nam Philippines. Đài phát thanh “Tiếng nói Hoa Kỳ” bình luận, Mỹ đang chuyển hướng chiến lược về châu Á - Thái Bình Dương nên tất yếu họ sẽ mở rộng liên minh ngoại giao và quân sự, việc họ tìm cách trở lại đóng quân tại các căn cứ quân sự cũ của Philippines trên biển Đông là vấn đề rất dễ hiểu.

Ông Blaxland, chuyên gia thuộc trung tâm chiến lược và quốc phòng của Đại học quốc gia Australia phân tích, Mỹ và Philippines tiến hành hội đàm trên tinh thần 2 bên cùng có lợi. Rõ ràng là Philippines đang tìm kiếm đồng minh để tìm chỗ dựa vững chắc cho tranh chấp trên biển Đông, còn Mỹ thì đang khôi phục và củng cố đồng thời tăng cường các chỗ đứng chân tại các căn cứ Philippines trên biển Đông như Subic, Palawan… nhằm hoàn tất quá trình chuyển hướng chiến lược về châu Á. 

Philippines hiện là mắt xích rất quan trọng trong vành đai chuỗi đảo thứ nhất của Mỹ, sự hiện diện của Mỹ ở đây sẽ tăng cường sự vững chắc cho nó, vì vậy Hoa Kỳ cũng rất sốt sắng trong vấn đề đàm phán. Được biết, vòng đàm phán thứ 2 sẽ diễn ra tại Washington vào cuối tháng 8 này. Một quan chức quân sự Mỹ cho biết, nhằm đạt thành hiệp định về mở rộng sự hiện diện quân sự Mỹ tại Philippines, 2 nước sẽ tiến hành tất cả 4 vòng đàm phán liên tiếp nhau để có thể ký kết hiệp định chính thức ngay trong năm nay.

Theo Nguyễn Ngọc
An ninh thủ đô/“Thời báo Hoàn Cầu”