1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ phát triển pháo tầm xa bắn hạ tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông

(Dân trí) - Quân đội Mỹ được cho là đang phát triển hệ thống pháo tầm xa có khả năng tấn công các tàu chiến Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột trên Biển Đông.

Mỹ phát triển pháo tầm xa bắn hạ tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông - 1

Binh sĩ Mỹ khai hỏa lựu pháo M777 (Ảnh: US Army)

Theo Business Insider, trang mạng Task & Purpose ngày 23/1 đưa tin Lục quân Mỹ đang phát triển loại pháo tầm xa có thể bắn ở khoảng cách hơn 1.600km với mục tiêu nhắm đến các tàu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông trong trường hợp xảy ra xung đột.

“Bạn có thể tưởng tượng ra bối cảnh khi Hải quân Mỹ nhận ra rằng họ không thể tiến vào Biển Đông vì có các tàu hải quân của Trung Quốc hiện diện ở đó. Từ một vị trí cố định trên một hòn đảo hoặc một nơi nào đó, chúng ta (Mỹ) có thể tấn công các mục tiêu của đối phương, các mục tiêu hải quân từ khoảng cách xa và duy trì thế cân bằng trong khi vẫn mở đường cho các khí tài hải quân hoặc thủy quân lục chiến”, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Mark Esper tiết lộ hôm 23/1.

Lục quân Mỹ hiện trông cậy chủ yếu vào sức mạnh của Bộ chỉ huy Tương lai Lục quân - lực lượng mới được thành lập hồi tháng 8 năm ngoái. Lục quân Mỹ đang thực hiện chương trình hiện đại hóa lớn nhất trong nhiều thập niên nhằm tập trung đối phó với các mục tiêu mới là Trung Quốc và Nga. Theo Chiến lược Phòng vệ Quốc gia Mỹ, Trung Quốc và Nga cũng là hai mối đe dọa trước mắt với sức mạnh của Mỹ.

Ưu tiên trọng tâm của Bộ Chỉ huy Tương lai Lục quân Mỹ là đơn vị Hỏa lực Chính xác Tầm xa với mục tiêu phát triển pháo có khả năng đánh bại các đối thủ hàng đầu của Mỹ như Nga và Trung Quốc.

“Mục tiêu của chúng tôi là xâm nhập và chia tách hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của đối phương, từ đó cho phép chúng tôi tự do hành động khi tìm kiếm các cơ hội”, Đại tá John Rafferty, chỉ huy nhóm liên chức năng thuộc đơn vị Hỏa lực Chính xác Tầm xa, giải thích với các phóng viên hồi tháng 10 năm ngoái.

Quân đội Mỹ đang tăng cường các biện pháp ứng phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt về hải quân. Trong cuộc tập trận Ven Thái Bình Dương (RIMPAC) năm ngoái, các binh sĩ Lục quân Mỹ đã phóng hàng loạt pháo từ Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) từ tàu đổ bộ USS Racine. Cuộc tập trận này mô phỏng cuộc xung đột xảy ra với Trung Quốc trên Thái Bình Dương.

 Trung Quốc hiện sở hữu một trong những lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc có ý định sử dụng sức mạnh quân sự đẩy lùi Mỹ ra khỏi khu vực.

Kịch bản chiếm đảo trên biển

Mỹ phát triển pháo tầm xa bắn hạ tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông - 2

Hoạt động huấn luyện của thủy quân lục chiến Mỹ. (Ảnh: US Army)

Theo Business Insider, Thủy quân lục chiến Mỹ đang hoạch định một kịch bản mới về chiến tranh hải quân, trong đó cho phép lực lượng này chiếm các đảo do Trung Quốc chiếm đóng trên Biển Đông trong một cuộc chiến tên lửa ở Thái Bình Dương.

Các chỉ huy Thủy quân Lục chiến Mỹ tham dự hội nghị quốc gia thường niên của Hiệp hội Hải quân nói với trang tin USNI rằng chiến lược hải quân hiện nay không thể giúp họ chiếm được các pháo đài của Trung Quốc tại Thái Bình Dương. Trong những năm qua, Trung Quốc đã ngang nhiên nạo vét đáy biển để bồi đắp các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

USNI dẫn lời Thiếu tướng Thủy quân Lục chiến David Coffman cho biết việc chiếm các đảo của Trung Quốc trên Biển Đông là trọng tâm trong các kế hoạch tác chiến của quân đội Mỹ. Tướng Coffman nói rằng “các chiến dịch hải quân kết hợp là cần thiết để có thể chiếm đảo, tự nhiên hoặc nhân tạo”.

Mỹ vẫn luôn theo dõi các hoạt động bồi đắp trái phép của Trung Quốc tại Thái Bình Dương và hoạch định kế hoạch tác chiến để đối phó với lực lượng tên lửa và quân sự ngày càng mạnh của Bắc Kinh. Washington thường triển khai các tàu chiến và máy bay tới Biển Đông để thực hiện tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Trung Quốc gần đây đã triển khai các tên lửa DF-26 được gọi là “sát thủ tàu sân bay” tới nơi mà Bắc Kinh cho là có thể đánh chìm các tàu sân bay Mỹ từ phạm vi nằm ngoái tầm bắn của các tên lửa hải quân Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng ngang nhiên lắp đặt mạng lưới radar rộng khắp mà các chuyên gia tin rằng có thể được sử dụng để theo dõi hoặc tiêu diệt máy bay Mỹ, thậm chí cả máy bay tàng hình.

Một cuộc nghiên cứu gần đây về khả năng tác chiến của tàu sân bay do Quỹ Heritage thực hiện cho biết Trung Quốc có thể huy động 600 tên lửa chống hạm cùng một lúc, trong khi một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ hiện chỉ có thể diệt được khoảng 450 tên lửa. Do vậy, giải pháp được đưa ra là trang bị pháo cho các tàu cỡ nhỏ, bao gồm cả tàu khu trục và tàu tuần dương trong đội hình tác chiến.

“Mỗi con tàu phải biến mình trở thành tàu chiến để tự phòng vệ. Chúng phải có khả năng phản công và đối phó với những mối đe dọa đang ập đến, kể cả đe dọa tấn công điện tử”, trung tướng Brian Beaudreault nói với USNI, đồng thời đề xuất sử dụng trực thăng mới của Thủy quân lục chiến Mỹ và các máy bay chiến đấu F-35 trang bị cho các tàu chiến.

Thành Đạt

Theo Business Insider