1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ phản đối hành vi nước lớn bắt nạt nước nhỏ tại Thái Bình Dương

(Dân trí) - Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert C. O’ Brien nhấn mạnh lập trường phản đối của Washington đối với hành vi nước lớn bắt nạt nước nhỏ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, cũng như việc Trung Quốc hăm dọa các nước khác trên Biển Đông.

Mỹ phản đối hành vi nước lớn bắt nạt nước nhỏ tại Thái Bình Dương - 1

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert C. O’ Brien (Ảnh: EPA)

Phản đối hành vi hăm dọa

“Thực tế cho thấy có những quốc gia tuyên bố chủ quyền sở hữu nguồn tài nguyên dầu khí, khoáng sản và hải sản tại Biển Đông. Những tài nguyên thuộc về những quốc gia đó, thuộc về con cháu của họ và thuộc về tương lai của các nước ASEAN. Họ không thể bị hăm dọa phải trao đi các tài nguyên đó chỉ vì có một nước nào khác to lớn hơn hay mạnh mẽ hơn. Vì thế, chúng tôi tin vào sự công bằng, chúng tôi tin vào luật lệ, chúng tôi cũng tin rằng đó là cách mọi thứ vận hành ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, cũng như trên toàn thế giới”, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert C. O’ Brien phát biểu trong cuộc họp báo tại Bangkok, Thái Lan hôm 4/11 nhân dịp tham dự hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN.

Tại cuộc họp báo, ông O’ Brien đã nhận được câu hỏi về việc làm thế nào để Mỹ bảo đảm rằng các nước Đông Nam Á có thể tiếp cận với các nguồn tài nguyên trong khu vực, vì trên thực tế, mặc dù Mỹ đã tiến hành các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, song vẫn có những thông tin về việc các ngư dân Philippines và Việt Nam bị hăm dọa tại vùng biển này.

“Một điều quan trọng với Mỹ cũng như với cả thế giới đó là, chúng ta có quyền tự do đi lại ở các đại dương trên thế giới. Không một quốc gia nào có thể chiếm phần lớn đại dương, đặc biệt là Thái Bình Dương, và tuyên bố đó là khu vực mà các nước khác không được tiếp cận. Liên quan tới hành vi hăm dọa do lực lượng dân quân biển Trung Quốc, hải quân Trung Quốc, hay tuần duyên Trung Quốc, thực hiện nhằm vào các nước khác trong khu vực, chúng tôi không cho rằng đây là điều đúng đắn”, ông O’ Brien nói.

“Chúng tôi tin rằng tất cả các quốc gia trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nên tham gia một cách công bằng, có đi có lại và tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ quốc tế. Chúng tôi tin vào một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Chúng tôi tin vào luật pháp và quy chuẩn quốc tế. Chúng tôi tin rằng, sức mạnh không phải là lẽ phải. Vì thế các nước lớn không nên bắt nạt các nước khác”, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nhấn mạnh.

Tòa trọng tài phù hợp để phán xử

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cho rằng các nước trong khu vực nên “hòa hợp” với nhau. Ông O’ Brien cũng khuyên các nước “nên tìm tới tòa trọng tài để phán xử nếu họ gặp vấn đề” liên quan tới tranh chấp trên biển.

“Thực tế, Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài và tòa đã ra phán quyết ủng hộ Philippines liên quan tới yêu sách đường chín đoạn hay đường lưỡi bò (của Trung Quốc). Chúng tôi nghĩ rằng các tranh chấp nên được giải quyết hòa bình. Chúng tôi không ủng hộ giải quyết tranh chấp thông qua hăm dọa, thông qua lực lượng dân quân biển, hoặc bằng cách đâm va tàu hay bao vây các đảo. Đó không phải là chuyện nên diễn ra trong thế kỷ 21. Đó là chuyện diễn ra từ hàng trăm năm trước đây và không nên xảy ra giữa các nước láng giềng ở Đông Nam Á”, ông O’ Brien nhận định.

Theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ O’ Brien, Washington muốn nhìn thấy “các mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng”.

“Chúng tôi muốn thấy quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Nhưng người dân Philippines, người dân Việt Nam, người dân Malaysia, họ có quyền của họ, họ có quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế, với nguồn dầu khí, hải sản, khoáng sản cho người dân của họ, giống như quyền của Trung Quốc với người dân Trung Quốc. Vì thế chúng tôi không ủng hộ việc một nước lớn hăm dọa một nước nhỏ hơn hay lấy đi thứ gì đó thuộc về các nước nhỏ đó. Có nhiều cách để giải quyết tranh chấp. Tranh chấp nên được giải quyết thông qua đàm phán, thông qua trọng tài quốc tế. Chúng không nên được giải quyết thông qua sự hăm dọa”, ông O’ Brien nói thêm.

Vai trò của Mỹ trong khu vực

Ông O’ Brien khẳng định Mỹ duy trì cam kết và hợp tác tại khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á.

“Tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, các khoản đầu tư của Mỹ tổng cộng hơn một nghìn tỷ USD. Đây là khu vực quan trọng đối với Mỹ: chúng tôi đầu tư vào đây, chúng tôi di chuyển tới đây, chúng tôi hiện diện ở đây lâu dài, chúng tôi là một phần trong cấu trúc của Đông Á, Đông Nam Á. Trọng tâm của khu vực này là ASEAN, mối quan hệ giữa ASEAN và Mỹ đặc biệt quan trọng. Quan trọng từ góc độ kinh tế và đặc biệt quan trọng từ góc độ an ninh”, ông O’ Brien nói.

Tại cuộc họp báo, một phóng viên đã hỏi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ về việc Trung Quốc gần đây tuy không nói đích danh Mỹ, nhưng Bắc Kinh đã chỉ trích một số nước liên tục can thiệp vào công việc của các nước khác không nằm trong cùng khu vực của họ.

“Tôi nghĩ chúng tôi (Mỹ) nằm ở khu vực này. Tôi nghĩ chúng tôi đã ở đây từ rất lâu rồi. Vì thế tôi không cho rằng Mỹ đang can thiệp vào khu vực. Tôi nghĩ rằng Mỹ là một thành viên chủ chốt trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tôi cho rằng Mỹ đã cống hiến cho khu vực nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực. Chúng tôi tự hào khi ở đây. Chúng tôi cũng có những mối quan hệ tuyệt vời tại đây, có những đối tác, bạn bè tuyệt vời và đồng minh theo hiệp ước”, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho biết.

“Liên quan tới vùng biển quốc tế tại Thái Bình Dương, chúng tôi không ủng hộ việc bất kỳ quốc gia nào khoanh vùng diện tích lớn trên Thái Bình Dương và nói rằng đó là vùng biển thuộc lãnh thổ của họ. Khi chúng tôi nói về Biển Đông, hay biển Hoa Đông, đó là vùng biển quốc tế và Mỹ ngay từ khi thành lập đã là một quốc gia giao thương. Chúng tôi là một nước có biển và giao thương trên biển, và luật quốc tế cho phép chúng tôi đi vào các vùng biển quốc tế”, ông O’ Brien nói.

Thành Đạt