1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ nói Trung Quốc cân nhắc cấp vũ khí cho Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington có thông tin Trung Quốc đang cân nhắc cung cấp vũ khí nhằm hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Mỹ nói Trung Quốc cân nhắc cấp vũ khí cho Nga - 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (Ảnh: Reuters).

"Mối lo ngại mà chúng tôi có bây giờ, dựa trên thông tin mà chúng tôi có, là họ (Trung Quốc) đang xem xét cung cấp hỗ trợ sát thương. Chúng tôi đã nói rất rõ ràng với họ rằng, điều đó có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng cho chúng tôi và mối quan hệ của chúng tôi", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong cuộc phỏng vấn với CBS hôm 19/2.

Ông Blinken nói rằng Trung Quốc vẫn chưa vượt quá giới hạn cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, nhưng ông sẽ sớm đưa ra bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang cân nhắc nghiêm túc việc cung cấp cho Nga các trang thiết bị, bao gồm vũ khí.

Trong cuộc gặp với Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị An ninh Munich hôm 18/2, Ngoại trưởng Blinken cũng cảnh báo "các tác động và hậu quả nếu Trung Quốc hỗ trợ cho Nga". Ông Blinken đồng thời khẳng định các hỗ trợ này có thể đến dưới dạng viện trợ vật chất hoặc giúp đỡ Nga né các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.

Tại cuộc hội đàm ở Munich, ông Blinken cũng yêu cầu Trung Quốc "không tái diễn" việc đưa khí cầu vào không phận Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ gọi việc khí cầu Trung Quốc vào không phận Mỹ gần đây là hành động vi phạm chủ quyền của Mỹ cũng như các quy định của luật pháp quốc tế. Đáp lại, ông Vương Nghị cáo buộc Mỹ đã gây tổn hại quan hệ giữa 2 nước vì những phản ứng thái quá sau vụ khí cầu.

Liên quan tới tuyên bố của Mỹ về cuộc xung đột Nga - Ukraine, ông Vương Nghị nhấn mạnh, "là một cường quốc, Mỹ nên đóng góp một giải pháp chính trị cho khủng hoảng, không đổ thêm dầu vào lửa và tìm kiếm cơ hội để kiếm lợi từ đó".

Theo ông Vương, Trung Quốc đã tôn trọng lập trường mang tính xây dựng liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine và ủng hộ quá trình đàm phán. Ông cũng tuyên bố Bắc Kinh "sẽ không bao giờ dung thứ cho các chỉ thị của Mỹ hoặc thậm chí là các mối đe dọa nhằm gây áp lực lên quan hệ Nga - Trung".

Trước đó, tại Hội nghị An ninh Munich, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẽ đưa ra lập trường về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhà ngoại giao Trung Quốc không nêu bất kỳ chi tiết cụ thể nào về kế hoạch giải quyết hòa bình cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhưng nói rằng "toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền" của các bên liên quan cần được tôn trọng. 

Theo ông Vương, Trung Quốc có thể đóng vai trò trung gian hòa bình, vì Bắc Kinh không phải bên liên quan trực tiếp tới xung đột. Ông khẳng định Trung Quốc không thể "khoanh tay đứng nhìn" khi xung đột nổ ra.

Trung Quốc đã từ chối tham gia các cơ chế trừng phạt do phương Tây dẫn đầu nhằm chống lại Nga, trong khi vẫn tăng cường quan hệ kinh tế với Moscow trong năm qua. 

Trung Quốc và Nga khẳng định mối quan hệ đối tác không giới hạn vào tháng 2/2022, ngay trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Bắc Kinh từ đó đã tìm cách giữ vị trí trung lập về cuộc xung đột này, đồng thời tăng cường quan hệ với Moscow, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần tìm cách liên lạc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự vào tháng 2 năm ngoái, với hy vọng Bắc Kinh sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình để tác động lên Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo Guardian, Sputnik