1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ nói 8.000 lính Triều Tiên đã đến vùng Kursk của Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Mỹ đã nhận được thông tin hiện có 8.000 lính Triều Tiên đang ở vùng Kursk của Nga, giáp biên giới Ukraine, và có thể chống lại lực lượng Kiev trong vài ngày tới.

Mỹ nói 8.000 lính Triều Tiên đã đến vùng Kursk của Nga - 1

Binh sĩ Triều Tiên tham gia một cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng (Ảnh minh họa: Getty).

Reuters đưa tin, tại cuộc họp báo với người đồng cấp Hàn Quốc ngày 31/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Triều Tiên đã đưa khoảng 10.000 quân nhân đến Nga, trong đó 8.000 binh sĩ đang có mặt ở vùng Kursk.

Cũng theo nhà ngoại giao Mỹ, Nga đã huấn luyện quân nhân Triều Tiên về pháo binh, máy bay không người lái (UAV) và các hoạt động bộ binh cơ bản. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy Moscow "hoàn toàn có ý định" sử dụng lực lượng này trong các hoạt động ở tiền tuyến.

"Chúng tôi chưa thấy lực lượng này triển khai chiến đấu chống lại lực lượng Ukraine, nhưng chúng tôi cho rằng điều đó sẽ xảy ra trong những ngày tới", ông nói.

Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Phó Đại sứ Mỹ Robert Wood cũng cho biết, Washington đã nhận được thông tin 8.000 lính Triều Tiên đang có mặt ở Kursk, nơi quân đội Ukraine tiến hành chiến dịch tấn công kể từ tháng 8.

Đầu tuần này, Lầu Năm Góc cho hay, khoảng 10.000 binh sĩ Triều Tiên đang được huấn luyện ở Nga, họ mặc quân phục, sử dụng trang thiết bị Nga và đang di chuyển đến vùng Kursk.

Giới chức Mỹ và Hàn Quốc hôm qua đã thảo luận về một loạt phương án để ứng phó với diễn biến này. Ngoại trưởng Blinken cho biết Washington sẽ công bố hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine trong những ngày tới. Họ cũng nhất trí quan điểm rằng Trung Quốc nên hành động nhiều hơn nữa nhằm gây sức ép với Nga và Triều Tiên cũng như ngừng hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Moscow.

Tuy nhiên, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm qua, Phó Đại sứ Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định Bắc Kinh không cung cấp vũ khí cho bất cứ bên nào trong xung đột Ukraine và tiếp tục kiểm soát chặt việc xuất khẩu các sản phẩm có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.

"Chúng tôi phản đối hành động của Mỹ nhằm bôi nhọ Trung Quốc về vấn đề Ukraine và tiến hành quyền tài phán lâu dài cũng như trừng phạt các công ty và tổ chức Trung Quốc về vấn đề này", ông Cảnh Sảng nhấn mạnh.

Cuối tháng trước, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với gần 400 thực thể và cá nhân từ hơn 10 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, để chống lại các hoạt động lách trừng phạt áp đặt lên Nga.

Nga và Triều Tiên đến nay tiếp tục bác bỏ cáo buộc Triều Tiên đưa quân đến Nga để tham chiến, cho rằng những cáo buộc này là vô căn cứ.

Mặt khác, Moscow nêu rõ, kể cả kịch bản Triều Tiên đưa lính đến Nga cũng không vi phạm luật pháp quốc tế.

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia lập luận: "Ngay cả khi mọi điều các đồng nghiệp phương Tây nói về sự hợp tác giữa Nga - Triều Tiên là đúng, thì tại sao Mỹ và các đồng minh lại cố gắng áp đặt lên mọi người lý lẽ sai lầm rằng họ có quyền giúp đỡ chính quyền Ukraine còn các đồng minh của Nga không có quyền làm điều tương tự".

Mới đây, Nga đã ký Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện với Triều Tiên. Theo hiệp ước, nếu một trong 2 bên bị một hoặc nhiều nước khác tấn công và rơi vào tình trạng chiến tranh, bên còn lại sẽ lập tức sử dụng mọi phương thức có thể để cung cấp hỗ trợ về quân sự hoặc các lĩnh vực khác.

Theo Hill, Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm